Tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước cho cây công nghiệp
[su_quote]Thủy lợi với Tây Nguyên đang là vấn đề vừa cấp bách vừa mang tầm chiến lược lâu dài khi vùng đất bazan màu mỡ này đang chịu khô hạn, thiếu nước sản xuất trầm trọng.[/su_quote]Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm nay có hơn 80.000 hecta cây trồng các loại bị hạn, trong đó gần 15.000 hecta mất trắng, thiệt hại khoảng 2.100 tỷ đồng, hàng chục nghìn hecta cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng lâu dài. Là vùng trồng cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao như cà phê và hồ tiêu, tỉnh Gia Lai cũng bị thiệt hại nặng nề do hạn hán.
Không chỉ nông dân gặp khó khăn, mà ngay cả doanh nghiệp có điều kiện chủ động hồ đập như Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai cũng điêu đứng vì nắng hạn. Ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty này cho biết: “Tôi công tác tại Tây Nguyên 35 năm rồi và lịch sử chưa có năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Chúng tôi có 11 cái hồ thì hiện nay đều tình trạng trơ đáy như thế này. Đây là chứng minh nhất cho biến đổi khí hậu, khi mà nhiệt độ tăng lên, còn lượng mưa giảm dần đi so với các năm trước đây”.
Còn ông Hoàng Phước Bính, gần 30 năm gắn bó với thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, tỉnh Gia Lai thì cho biết: “Vụ mùa 2014-2015, do yếu tố khách quan là thời tiết, khí hậu bất thường nên năng suất giảm. Bản thân chúng tôi theo dõi cây hồ tiêu gần 30 năm có thể nói rằng, năm nay là năm năng suất thấp nhất trong mấy chục năm qua. Có nhiều vườn tiêu giảm đến 60 – 70%, tựu chung lại là giảm đến 30 – 40%”.
Không chỉ hạn hán mùa khô, mà vài năm nay, Tây Nguyên còn thiếu nước cả giữa mùa mưa. Tháng 6 năm nay là vào mùa mưa, nhưng công trình đại thủy nông Ayun Hạ – hồ thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên (có dung tích 253 triệu mét khối) cạn đến mực nước chết, khiến hàng chục nghìn hecta lúa nước, mía, sắn và hoa màu ở khu vực Đông Nam Gia Lai bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.
Ở cực Nam Tây Nguyên, hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻ là vựa lúa của tỉnh Lâm Đồng, trước đây là rốn lũ, hàng năm được bù đắp phù sa màu mỡ, nhưng năm nay khô khát vì nước sông Đồng Nai giảm sâu, các trạm bơm công suất lớn cũng trơ vòi. Mực nước ở hầu hết các hồ chứa trên địa bàn đều tụt giảm từ một đến vài mét.
Tình hình ở 2 tỉnh Đắc Nông và Kon Tum cũng tương tự. Riêng Đắk Nông có hơn 500 hecta lúa thiếu nước, khoảng 21.000 hecta cà phê và hồ tiêu bị ảnh hưởng. Vụ hè thu vừa rồi, gia đình chị Phạm Thị Huê ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông trồng 1 hecta ngô nhưng không có thu hoạch vì nắng hạn. Mùa khô tới, chị lại lo 1 hecta cà phê và 6 sào ruộng không có nước tưới.
Chị Huê cho biết: “Bà con đang lo, cây bắp bỏ rồi, không thu hoạch được vì không có nước tưới, còn ruộng đang dọn để làm. Nếu không có nước về thì cũng bỏ luôn, cà phê tưới nước của mương này cũng bỏ luôn. Năm ngoái tưới 3 lần năm nay cũng phải tưới 4 lần, đang dự đoán không biết có đủ nước tưới hay không, không đủ thì phải bỏ cà phê”.
Theo dự báo, thời gian tới Tây Nguyên tiếp tục đối mặt với tình hình khô hạn gay gắt. Lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 – 40%, vì vậy dòng chảy trên các sông suối sẽ thiếu hụt tương ứng.
Ông Y Đhăm Ênhuôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh này dự kiến cắt giảm hơn 5.000 hecta lúa và cây trồng ngắn ngày, hơn 10.000 hecta phải chống hạn cuối vụ. Nhưng đối với khoảng 250.000 hecta cà phê và hồ tiêu thì không có giải pháp nào khả thi.
Ông Y Đhăm Ênhuôn cho biết: “Tất cả các hồ thủy lợi thường lại không nằm trong vùng trồng các cây công nghiệp dài ngày. Mà mực nước ngầm ở Tây Nguyên nói chung, Đắc Lắc nói riêng liên tục tụt xuống. Như vậy là xây dựng kế hoạch để chống hạn cho cây công nghiệp dài ngày là không có phương án nào khả thi. Rất nhiều diện tích không có nguồn nước, kể cả đào giếng, khoan giếng”.