Trồng mía: đã đến lúc nói chuyện công nghệ

Để người trồng mía thoát khỏi cái bóng của sự nghèo khó, đã đến lúc nói đến công nghệ trồng mía tiên tiến. Nhiều mô hình công nghệ đã được chia sẻ tại hội thảo quốc tế lần 2 chủ đề “Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía, nâng cao thu nhập cho người nông dân” do Thành Thành Công tổ chức tuần trước.

“Nhất nước, nhì phân”

Chị Lê Thị Chính ở huyện IaPa, Gia Lai – một người trồng mía cung cấp cho Công ty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, chia sẻ rằng trong suốt hơn 15 năm, chị trồng mía chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, từ khâu bón phân, chăm sóc cho đến thu hoạch đều làm bằng tay, năng suất thu hoạch mỗi vụ khoảng 66 tấn/héc ta. Thật ra, mức này đã cao hơn năng suất trung bình của cả nước 2 tấn/héc ta.

Tuy nhiên, từ vụ mía đường 2012-2013, nhờ sự hỗ trợ vốn của Công ty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, chị đầu tư mua máy móc để cơ giới hóa ruộng mía của mình. Các loại máy chuyên dụng đã hỗ trợ cho chị rất nhiều trong các khâu như vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cải tạo đất, xuống giống…, giúp chị giảm được chi phí nhân công.

Chị Chính cho biết trước đây, cách thức bón phân là rải trên mặt ruộng, nay nhờ có máy móc, chị chuyển sang phương thức bón phân vùi lấp. Cách này giúp phân không bị bốc hơi, hiệu quả sử dụng cao, kéo dài, mỗi vụ chỉ cần bón hai lần mía vẫn có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa còn đem lại hiệu quả rất cao nhờ tiết kiệm nước. Sau hai niên vụ cơ giới hóa, năng suất ruộng mía của chị Chính hiện đã tăng lên 85 tấn/héc ta (tăng 29%) – một mức tăng ấn tượng!

Chị Chính cho biết thêm, khi chưa cơ giới hóa, tạp chất trong mía thường ở mức 4%. Với tỷ lệ tạp chất này, tính ra mỗi vụ chị bị thiệt hại khoảng 87 triệu đồng. Nay nhờ sử dụng máy móc, mía thu hoạch ít tạp chất. “Vụ mía vừa qua, gia đình tôi không những không bị mất số tiền nói trên mà còn được công ty thưởng thêm 200 triệu đồng vì đã bán mía sạch cho họ. Lợi ích của cơ giới hóa là rất lớn”, chị nói.

Cũng để nâng cao năng suất và chất lượng mía, Công ty cổ phần Đường Nước Trong ở Tây Ninh đã chủ động cơ giới hóa, áp dụng hệ thống tưới bằng motor điện kết hợp thâm canh, dùng giống tốt, chú trọng công tác phân tích đất để xây dựng công thức phân bón phù hợp. Nhờ đó, năng suất mía bình quân đã tăng lên 85 tấn/héc ta, chữ đường (CCS) trên 9.

Tính toán của Công ty Nước Trong cho thấy chi phí đầu tư cho việc tưới nước chưa đến 6,7 triệu đồng/héc ta mỗi vụ, nhưng số tiền thu về do năng suất tăng thêm là 16 triệu đồng. Tính ra, hệ thống tưới tiêu đã mang về cho nông dân hơn 9 triệu đồng/héc ta mỗi vụ mía.

Có nhiều hộ trồng mía do những nguyên nhân khách quan chưa nhận được sự hỗ trợ từ các nhà máy đường, nhưng ý thức được tầm quan trọng của “nhất nước, nhì phân” nên đã chủ động xây dựng hệ thống tưới nước cho ruộng mía của mình. Đơn cử trường hợp của ông Huỳnh Văn Giáo ở Khánh Hòa, ông đã tận dụng áp lực nước từ nguồn nước tự nhiên trên cao, tạo ra mô hình tưới phun cho ruộng mía có diện tích 40 héc ta. Nhờ có nguồn nước tưới ổn định, tỷ lệ mía nảy mầm mía tơ trên 90%; tỷ lệ mía gốc tái sinh trên 80%, qua đó, hạn chế rủi ro khi xuống giống và giảm chi phí trồng dặm; năng suất tăng từ 55 tấn lên 71,5 tấn/héc ta; khả năng lưu gốc mía từ 2-3 vụ nay đã tăng gấp 2 lần. Ông Giáo cho biết tổng lợi nhuận ruộng mía đã tăng thêm hơn 430 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên, không phải người trồng mía nào cũng tận dụng được nguồn nước tự nhiên dồi dào như ông Giáo. Tại hội thảo, Công ty Netafim của Úc đã giới thiệu mô hình tưới nước nhỏ giọt bề mặt. Theo Netafim, mô hình tưới này giúp người trồng mía ở những khu vực không có nhiều nước vẫn có thể có đủ nước tưới. Bên cạnh đó, nếu nông dân không có máy bón phân vùi lấp thì họ có thể bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Netafim cho biết hiện đã có một số hộ dân sử dụng mô hình tưới này và đạt năng suất 100-135 tấn/héc ta.

Cũng tại hội thảo, ông Hyatt Thomas James, Giám đốc Dự án toàn cầu phụ trách về tưới phun của Úc, cũng giới thiệu về mô hình tưới tự hành đã giúp giảm chi phí sản xuất mía tại Queensland.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mía đường của Thành Thành Công, năng suất thấp là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn các nước khác. Hiện tại, mỗi héc ta mía ở Việt Nam chỉ cho được khoảng 5 tấn đường, trong khi ở Thái Lan là 8 tấn, Úc là 10 tấn, Mỹ là 12 tấn. “Việc cần làm lúc này là giúp nông dân tăng năng suất trồng mía. Chúng tôi đã tìm hiểu và đang giới thiệu cho người dân những giải pháp tiên tiến về canh tác thu hoạch mía hiện đang được áp dụng hiệu quả trên thế giới”, ông Lộc nói.

Năng suất thấp là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất đường của Việt Nam cao hơn các nước khác. Hiện tại, mỗi héc ta mía ở Việt Nam chỉ cho được khoảng 5 tấn đường, trong khi ở Thái Lan là 8 tấn, Úc là 10 tấn, Mỹ là 12 tấn.

Hội thảo còn được chia sẻ kinh nghiệm từ ông Robert Quirk – một nông dân trồng mía giỏi ở New South Wales, Úc – nơi có 50% diện tích trồng mía bị nhiễm phèn, nhưng nhờ áp dụng công nghệ nên giá thành sản xuất chỉ 20 đô la Mỹ/tấn mía nguyên liệu khi bán cho nhà máy. Ông Quirk đã chia sẻ công thức bón phân cho ruộng mía và cả bí quyết giảm chi phí phân bón. Trang trại trồng mía rộng hơn 100 héc ta của ông đang áp dụng phương thức trồng thêm các loại cây họ đậu, giúp không cần bón đạm. Đây được xem là mô hình trồng mía bền vững hiện nay. Theo ông Quirk, một khi các hộ dân áp dụng được mô hình trồng mía bền vững thì sẽ dễ dàng vay được vốn từ ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Hội thảo đã giới thiệu một số công nghệ hiện đại để nông dân có thể lựa chọn mô hình thích hợp cho ruộng mía của mình. Tuy nhiên, để áp dụng một cách hiệu quả những mô hình nêu trên không tránh khỏi chi phí đầu tư khá lớn.

Nguồn vốn từ đâu?

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn của ngành mía đường lâu nay là diện tích manh mún, năng suất thấp. Do đó, ngành mía đường Việt Nam cần phải chuyên nghiệp hơn và tập trung vào mục tiêu tăng năng suất cây trồng để giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển sang trồng cây trồng khác.

Ông Thừa cho biết Chính phủ đã có Quyết định 68/2013/QĐ – TTg về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho người nông dân, trong đó, nông dân cần cơ giới hóa sẽ được cho vay tiền mua máy móc với thời gian vay dài, lãi suất thấp.

Còn theo ông Lộc, ngoài chính sách hỗ trợ từ Quyết định 68 của Chính phủ, nông dân vẫn có nhiều kênh hỗ trợ khác từ các công ty sản xuất mía đường. Hiện nay, các công ty, các nhà máy đường của Thành Thành Công đều có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân cơ giới hóa ruộng mía, nâng cao thu nhập cho người trồng mía. Khi lợi ích của nông dân được nâng cao, công ty cũng nâng cao lợi ích cho chính mình, thực tế đã chứng minh điều đó.

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận