Phần 1: Tây Nguyên khô khát

Phần 2: Tây Nguyên trả giá

Tây Nguyên đang đứng trước thách thức sa mạc hóa do thiếu nước trầm trọng, đặt ra cho ngành chức năng nhiệm vụ cấp bách về việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Như đã phản ánh trong các bài viết trước, Tây Nguyên màu mỡ đang đứng trước thách thức sa mạc hóa bởi áp lực thiếu nước trầm trọng. Thực tế đó đặt ra cho chính quyền và ngành chức năng nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài về việc đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Đó là phải thay đổi mô hình đầu tư, sắp xếp lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, khai thác nguồn nước hiệu quả, bền vững.

Những năm gần đây ở Tây Nguyên xuất hiện nhiều mô hình tưới tiết kiệm trên nhiều loại cây trồng khác nhau mang lại hiệu quả rõ nét. Điển hình ở Lâm Đồng, những vùng trồng rau, hoa trọng điểm như Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng… đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa khá phổ biến.

Ông Vũ Đình Phúc ở phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết hiệu quả thực tế của việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên 1 hecta hoa: “Thay vì mình tưới một tháng 30 công, nay mình tưới nhỏ giọt tiết kiệm còn lại 3 công, tiết kiệm được phân bón một phần, rồi tiết kiệm được công nên kinh tế gia đình ổn định hơn”.

radiovietnam_Giải pháp nào cho thủy lợi Tây Nguyên? - Bài 3: Cần những chiến lược tổng thể
Tưới cà phê theo phương pháp truyền thống của nông dân huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk (Ảnh: tintaynguyen.com)

Cùng với rau, hoa và cà phê, ở Lâm Đồng hiện có khoảng 15% trong tổng số gần 40.000 hecta chè được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Ông Phan Văn Luyến, Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Junhong Việt Nam cho biết, đơn vị đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 40 hecta chè ở huyện Lâm Hà rất có hiệu quả: “Hiệu quả của việc sử dụng hệ thống nhỏ giọt này là thứ nhất là mình kiểm soát và giảm được lượng phân bón, vì sử dụng hệ thống nhỏ giọt thì cây chè ăn trực tiếp được lượng phân bón đó. Thứ hai là nhân công giảm đi rất nhiều. Ba là năng suất thì tương đương hoặc hơn mức chăm sóc bình thường”.

Tại Đắk Lắk 5 năm qua, Công ty Cà phê Trung Nguyên đã liên kết với nông dân để áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho 2.000 hecta cây cà phê, nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Gia đình ông Y Na Ayun cùng 6 hộ dân tộc Ê Đê khác ở xã Ea Tul, huyện Chư M’gar được hỗ trợ triển khai mô hình này. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới cho mỗi hecta cà phê là 50 triệu đồng; Công ty hỗ trợ một nửa, chương trình nông thôn mới hỗ trợ 40%, còn lại gia đình bỏ ra 10%. Ông Y Na Ayun cho biết: “Năm trước cho có hệ thống nhỏ giọt thì sản lượng cà phê được 1,7 tấn. Năm ngoái là đầu tiên sử dụng hệ thống nhỏ giọt thì được 2,1 tấn, năm nay sẽ tăng thêm nữa”.

Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh ở thành phố Hồ Chí Minh chuyên cung ứng và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt. Những năm qua, công ty đã liên kết với nông dân Tây Nguyên để ứng dụng công nghệ này trên nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, ngô, mía, rau, hoa và cỏ voi, đều mang lại hiệu quả.

Ông Vũ Kiên Trung, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh nói: “Các tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng là tỉnh đi đầu. Họ có lợi thế là có nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đầu vào nên bà con nông dân sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt họ học rất nhanh,ứng dụng rất nhanh. Thứ hai là ở Đắk Lắk, cây trồng trọng điểm là cây cà phê thì chúng tôi ứng dụng nhỏ giọt để mang lại hiệu quả tốt nhất cho cây cà phê. Gia Lai thì ứng dụng nhỏ giọt cho cây hồ tiêu được khoảng 600 hecta, và Đắk Lắk hiện nay cũng đã ứng dụng tưới nhỏ giọt cho hồ tiêu”.

Nguồn nước ngày càng khan hiếm, diện tích gieo trồng lại không ngừng gia tăng, áp lực nước tưới cho cây trồng đang đè nặng lên vai nông dân Tây Nguyên, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của chính quyền và ngành chức năng.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học một cách đồng bộ, ở khu vực Tây Nguyên cần có sự chuyển dịch lớn trong đầu tư thủy lợi dựa trên lợi thế so sánh các loại cây trồng.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu nhận định: “Nhà nước cũng phải có sự chuyển dịch trong đầu tư phát triển thủy lợi, giảm bớt sự mất cân bằng nước. Với lượng mưa hàng năm từ 1.800 đến 2.000 ly, nếu chúng ta có những công trình thủy lợi để giữ lại từ 10 – 15% thì có thể đáp ứng được nước tưới trong mùa khô. Nếu đầu tư thủy lợi cho Tây Nguyên phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao thì hiệu quả cao hơn rất nhiều so với đầu tư thủy lợi cho lúa nước”.

Theo quy hoạch tổng thể từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các tỉnh Tây Nguyên cần đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 2.370 công trình thủy lợi, với tổng số vốn trên 58.000 tỷ đồng. Trong khi ngân sách khó khăn, cần có một cơ chế đầu tư linh hoạt hơn.

PGS.TS Đoàn Doãn Tuấn, Viện trưởng Viện nước Tưới tiêu Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nêu ý kiến: “Nếu sự huy động đóng góp nguồn lực càng có hiệu quả thì chúng ta càng có điều kiện để hoàn thành các cơ sở hạ tầng thủy lợi và dịch vụ quản lý. Tăng cường dịch vụ quản lý thì đưa đến thu nhập cho người nông dân cao hơn và đưa lại sự huy động dễ dàng hơn. Về xã hội hóa đầu tư, chúng ta có thể huy động nông dân bằng cách tổ chức sản xuất theo chuỗi, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Nhà nước đối với các dự án cấp nước tiết kiệm thì có thể đầu tư đường ống chính, đường ống cấp 1, doanh nghiệp đầu tư đường ống cấp 2 cấp 3 và nông dân có thể đầu tư vào ruộng các dây tưới”.

Thực tiễn ở Tây Nguyên đã có địa phương thực hiện tốt việc xã hội hóa trong việc xây dựng các công trình thủy lợi. Điển hình là tỉnh Lâm Đồng những năm qua đã huy động toàn dân đóng góp để xây dựng hàng trăm hồ chứa nhỏ. Từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng dự kiến sẽ đào mới khoảng 5.500 ao, hồ nhỏ với tổng kinh phí 125 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp một nửa.

Cách làm này của Lâm Đồng được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhìn nhận như là điển hình về đầu tư phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên: “Bên Lâm Đồng làm rất thành công, tỉnh ra những chính sách rất hay, hỗ trợ 70% ca máy để dân và cộng đồng làm những cái hồ này, đây là một kinh nghiệm rất quý. Tôi nghĩ sáng kiến của Lâm Đồng là rất tốt, tức là đưa toàn dân làm thủy lợi. Ở đây tôi muốn nói 3 vấn đề để thúc đấy việc tưới. Thứ nhất là tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn. Trong mô hình chính sách, chúng tôi sẽ hỗ trợ liên kết sản xuất mạnh hơn hỗ trợ cá thể. Thứ hai là khẩn trương điều chỉnh lại đầu tư, đặc biệt là đầu tư công; khuyến khích công – tư. Thứ ba là phải áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ; định hướng lại sản xuất, nếu cây gì đó manh mún, không phù hợp thì chuyển sang cây có lợi thế. Tức là khi muốn làm tiết kiệm nước thì phải đồng bộ với chính sách khác mới có hiệu quả lớn”.

Đúng là trời hạn mong mưa phùn. Những giải pháp đã nêu xuất phát từ thực tiễn và đã được kiểm nghiệm, nhưng để nhân rộng ra thì không đơn giản. Bởi địa chất, khí hậu, các loại cây trồng và cả tập quán canh tác mỗi nơi một khác.

Vậy nên, cùng với việc dựa vào sức dân, trí dân, Tây Nguyên cần những giải pháp tổng thể đồng bộ với nguồn lực đầu tư lớn và tập trung, huy động được các nhà khoa học, doanh nghiệp vào cuộc, mới mong đến ngày không còn nhấp nhổm lo tính trả giá cho tình trạng khô khát do chính mình gây ra.

Nhóm PV thường trú VOV tại Tây Nguyên (Hết)
Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận