Tin nông nghiệp

TP HCM: “Thắng” phèn chua, nước đen, dân ở đây làm giàu trên vùng đất khó

So với 4 huyện làm nông thôn mới của TP HCM, huyện Bình Chánh bất lợi khá nhiều vì có diện tích đất nông nghiệp, nếu không bị nước đen ô nhiễm thì phèn chua. Tuy nhiên, với tính cần cù, sáng tạo, nhiều nông dân vẫn làm giàu trên chính mảnh đất khó này.

Dân xã nghèo “thắng” phèn chua, nước đen

Lê Minh Xuân là xã nghèo của huyện Bình Chánh với thổ nhưỡng chủ yếu là nhóm đất nhiễm phèn nặng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu nhanh chóng.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trên địa bàn thành phố đã và đang xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, như mô hình sản xuất rau sạch có doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt mô hình sản xuất rau xà lách thủy canh đạt tới 8 tỷ đồng/ha/năm.

Từ một vùng trũng thấp, hoang hóa, chỉ có cây lác và cỏ dại, giờ nơi đây đã hình thành nên nông trại trồng dừa của ông Tô Văn Thắng (ấp 4).

Trước đây, hộ ông Thắng trồng mía nhưng do giá mía không ổn định và thường bị thương lái ép giá không có lãi nên ông muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sau nhiều lần được Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay các mô hình sản xuất nông nghiệp, năm 2016, ông Thắng đã vay 1,2 tỷ đồng để chuyển sang trồng hơn 1.000 gốc dừa với diện tích hơn 6.000m2, gồm 2 giống: Xiêm xanh và đỏ. Hiện, vườn dừa này đang cho thu hoạch.

Ông Thắng cho biết, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 6.000 đồng/trái, vào dịp tết lên đến 8.000 – 9.000 đồng/trái. Trừ các khoản chi phí, ông còn lời khoảng 125 triệu đồng/năm.

Ông Thắng đã hiến gần 1.000m2 đất (giá trị ước gần 800 triệu đồng) để chính quyền làm đường nông thôn mới. Con đường Kênh 11 hoàn thành giúp cho việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân khá thuận lợi. Thương lái có thể cho xe lớn vào tận nơi thu mua, giảm chi phí vận chuyển nông sản của nông dân.

Trong khi đó, tại ấp 1 (xã Tân Nhựt) – khu vực đang bị uy hiếp bởi nước ô nhiễm xả ra từ các nhà máy, dù làm đến 6ha đất lúa ông Ba Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa) vẫn nhất quyết chuyển sang trồng rau màu. Giải thích cho việc chuyển đổi cây trồng này, ông Ba Nghĩa cho biết bởi lãi 1.000m2 rau màu bằng 5 lần trồng 1ha lúa.

Hiện ông Ba Nghĩa trồng rau màu theo hướng hữu cơ trên diện tích 2.500m2 với 8 loại rau ăn lá như x lách xanh, xà lách tím, rau muống, dền, cải ngọt, cải thìa, cải ngồng… Rau được doanh nghiệp bao tiêu thu mua. “Số lượng rau màu này, doanh nghiệp không đưa vào hệ thống siêu thị mà bán ở các khu dân cư cao cấp như Phú Mỹ Hưng (quận 7) vì giá rau khá cao” – ông Ba Nghĩa cho biết.

Ngoài bán rau màu cho các doanh nghiệp này, ông Nghĩa còn trồng rau theo hướng công nghệ cao bán cho HTX Nông nghiệp Phước An.

Cẩn trọng nước đen

Lâu nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại huyện Bình Chánh rất báo động, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của một bộ phận lớn người dân mà còn gây thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng của bà con nông dân.

Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Thái Thành Tâm, trong nhiều buổi họp HĐND huyện gần đây, ông đã đề cập đến việc nguồn nước ô nhiễm của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân ảnh hưởng đến việc trồng trọt của bà con nông dân.

“Huyện đã khuyến cáo bà con không tổ chức chăn nuôi, trồng trọt trong vùng ô nhiễm. Khu vực nào còn trồng trọt được thì bà con nên cẩn thận khi lấy nước tưới cây để tránh thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm” – ông Tâm chia sẻ.

Một cán bộ Hội Nông dân huyện Bình Chánh cũng cho biết, Hội Nông dân các xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng bị ô nhiễm không sản xuất hoặc phải chuyển đổi nghề. “Một số bà con nông dân đã chuyển đổi nghề từ chăn nuôi sang các dịch vụ khác như cho thuê nhà trọ…” – vị này thông tin.

Mặc dù đứng trước tình hình sản xuất khó khăn, nhưng theo ông Mai Ngươn Khánh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bình Chánh, hòa chung tiến trình huyện đang xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều bà con nông dân trên địa bàn vẫn vượt khó, vươn lên làm giàu bằng những mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao.

Đã đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới

Được biết, đến cuối năm 2019, huyện Bình Chánh đã có 12/14 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Bình Chánh đã đạt 8, chỉ còn tiêu chí thứ 7 là môi trường, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao: Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015 (năm 2015 là hơn 40 triệu đồng/người/năm) và 3,9 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án NTM năm 2010 (17,39 triệu đồng/người/năm).

Song song đó, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư cơ bản, như đưa vào sử dụng 426 công trình giao thông, 107 công trình thủy lợi, 79 công trình trường học, 109 công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho người dân… bảo đảm và tạo sự thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ và phát triển sản xuất, đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài ra, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Bình Chánh đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.860 lượt người, trong đó có 15.837 người được giải quyết việc làm sau học nghề; đã tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm cho 52.133 lao động. Cùng với đó, hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền vận động được 7.630 hộ dân hiến 1.438.612 m2 đất mở rộng các tuyến đường và đóng góp ngày công lao động vào các công trình phục vụ xây dựng NTM với tổng kinh phí 863 tỷ 689 triệu đồng…

Đây là những tiền đề quan trọng để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện được kéo giảm, năm 2019 hộ nghèo chỉ còn 123 hộ, chiếm tỷ lệ 0,06% so với năm 2010 là 11.938 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,5%.

Nguồn: Dân Việt

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *