Theo Phó Giáo sư – tiến sỹ (PGS-TS) Lê Tất Khương – Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ có một phần trách nhiệm, bởi rất nhiều loại vật tư đơn giản vẫn phải nhập từ nước ngoài.
Rất thiếu vật tư, thiết bị hỗ trợ
Lấy ví dụ từ hai địa phương đi đầu ứng dụng CNC trong nông nghiệp là TPHCM và Lâm Đồng, TS Khương cho biết: “Ngay cả máng tưới, giá để cây bằng vật liệu không gỉ, có đục lỗ với kích thước và mật độ thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây…, người trồng vẫn phải đặt mua từ Thái Lan. Đây là những vật tư đơn giản, không cần chất liệu hay kỹ thuật cao siêu gì, nhưng phải đúng quy cách mới sử dụng được và do doanh nghiệp Việt Nam chưa sản xuất nên cứ phải nhập”.
PGS-TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả – cũng nhận xét: “Vật tư, trang thiết bị để sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC hiện rất thiếu, màng nylon đến hệ thống lưới che, đinh vít,
hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới sương mù…”.
Thực trạng này được ông Đỗ Văn Tôn – đại diện Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp – khẳng định: “Công ty tôi phải nhập phần lớn thiết bị vật tư CNC ở nước ngoài. Ngành công nghiệp hỗ trợ của ta chưa đóng góp được gì mấy”. Cụ thể, béc tưới nước, giá thể trồng cây, ống tưới chính, van tưới chính, màng chống đọng giọt… hầu như được nhập toàn bộ của Israel, Thái Lan, Hà Lan…
Lan hồ điệp được trồng trong nhà kính tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh ( Viện Nghiên cứu rau quả). Ảnh: Anh Sa.
Thực ra, một số doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đã sản xuất vật tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC (gọi tắt là nông nghiệp CNC – NNCNC), nhưng theo các chuyên gia, trừ khung nhà màng, nhà kính được các chuyên gia nhận xét là tốt tương đương hàng ngoại, còn phần lớn sản phẩm chất lượng chưa cao.
Thạc sỹ Đặng Ngọc Vượng – Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, người tham gia tư vấn cho nhiều đơn vị sản xuất NNCNC – cho biết, lớp vỏ ngoài của ống thủy canh phải đảm bảo cách nhiệt tốt với môi trường để rễ cây không bị ảnh hưởng bởi sự tăng hay giảm nhiệt độ môi trường; sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được điều này, nên thường phải mua ống của Thái Lan. Hệ thống tưới phun mưa do Việt Nam sản xuất rẻ chỉ bằng 1/3 hàng Israel; nhưng hắt nước không đều nên phải tưới bổ sung những chỗ thiếu nước. Máy bơm của Việt Nam cũng có nhiều loại tốt, nhưng chỉ phù hợp phục vụ trồng thủy canh và tưới nhỏ giọt, còn để đưa vào hệ thống tưới phun mưa thì không đủ lực.
Doanh nghiệp dè dặt vì thị trường nhỏ
Tại sao nhiều loại vật tư rất dễ sản xuất, nhưng trong nước không có? TS Đông giải thích: “Do thị trường quá bé. Lượng mua ít nên doanh nghiệp chưa muốn đầu tư một nhà máy hay trụ sở để sản xuất các sản phẩm phục vụ NNCNC. Bởi nếu làm với số lượng thấp thì giá thành thậm chí còn cao hơn đi nhập”.
Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn, một đơn vị cung cấp nhà màng có quy mô sản xuất lớn: “Bài toán hiệu quả đầu tư ảnh hưởng nhiều tới sức đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Không khó tìm một chuyên gia về nhựa có thể giúp sản xuất ra chậu nhựa, ống thủy canh theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng với số lượng nhỏ thì chi phí sản xuất cao. Và khi giá thành đầu tư cao như thế, làm sao có thể nhân rộng ra thị trường?”.
Tuy nhiên theo ông Đông, thị trường vật tư cho NNCNC tuy nhỏ nhưng vô cùng tiềm năng: “Nếu thị trường lớn thì các doanh nghiệp nước ngoài đã vào chiếm lĩnh. Thị trường nhỏ thì ta tạo ra thị trường. Chẳng hạn, trước kia nông dân rất ít dùng nylon, bạt phủ nhưng sau khi dùng thấy có hiệu quả, giờ nhu cầu loại vật tư này lại rất lớn. Vấn đề mấu chốt hiện tại là chọn cái để đầu tư, không thể đầu tư ồ ạt, dẫn tới tình trạng thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu”.
Hệ thống tưới phun nước ở High Plains, Texas. Ảnh: AgriLife Today
Có thể lấy ví dụ là bộ phận đầu vòi phun sương cho hệ thống tưới. Theo ông Trần Văn Dương – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Phát, đơn vị chuyên cung cấp nhà kính, nhà lưới và nhiều vật tư khác – thì một đầu vòi phun sương nhập khẩu của Israel có giá chỉ trên 50.000 đồng, bán kính phủ khoảng 3,5m nên mỗi hécta canh tác không cần quá nhiều vòi. “Với lượng dùng và mức giá như vậy, chúng ta nên nhập thay vì đầu tư sản xuất loại vòi này, bởi một dây chuyền sản xuất có giá lên tới 50 triệu USD” – ông Dương nói.
Cần sự vào cuộc của Nhà nước
Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu dấn thân vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho NNCNC – như Công ty An Phát, cho rằng Nhà nước chưa hỗ trợ cho mảng mà doanh nghiệp lớn chưa đầu tư, còn doanh nghiệp nhỏ thì gặp khó khăn này: “Xoay được đủ tiền mua đất dựng xưởng thì lại khó tìm đất. Mua ở khu công nghiệp thì không ai cho, mua đất người ta thuê 50 năm thì không được làm sổ đỏ nên mảnh đất đó không được tính trong tài sản công ty” – ông Dương chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, ông Đặng Văn Đông nhận xét, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ NNCNC của ta còn nằm rải rác, manh mún, khiến doanh nghiệp đối tác tiềm năng khó nắm bắt thông tin sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp tuy đã có sản phẩm nhưng lại không quảng cáo, truyền thông, khiến người cần mua không biết mà tìm tới. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong mảng này, tạo ra các khu công nghiệp chuyên sản xuất trang thiết bị phục vụ NNCNC.
Để sản xuất được nhiều hơn các thiết bị, vật tư phục vụ NNCNC, theo ông Đỗ Văn Tôn, Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp để đầu tư nghiên cứu hoặc liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để họ đưa công nghệ về Việt Nam sản xuất.
Còn ông Đăng Khoa thì cho rằng, thay vì trông đợi vào Nhà nước, doanh nghệp cần chủ động: “Việc đợi các nhà khoa học nghiên cứu ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường là không thực tế, bởi nghiên cứu theo đầu tư của Nhà nước cần thời gian rất dài để chờ duyệt đề tài, xin kinh phí, nghiên cứu xong cũng chưa ứng dụng, nhân rộng được luôn. Cũng việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, nếu doanh nghiệp bắt tay vào làm thì sẽ nhanh hơn bởi hễ thấy thị trường cần là có thể quyết định đầu tư ngay”.