Khoảng 4 năm trở lại đây, người trồng tiêu thắng lớn vì thời tiết thuận lợi, giá tiêu ở mức cao (khoảng 180.000-200.000 đồng/kg). Trong khi đó, một số loại cây trồng khác cho thu nhập thấp, khiến nhiều hộ đổ xô sang trồng tiêu và tình trạng này làm cho diện tích trồng tiêu tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của tỉnh, đồng thời tăng nguy cơ rủi ro về mất cân đối cung cầu.
ảnh minh họa
Thay vì trồng tiêu ồ ạt, nông dân cần áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng. Trong ảnh: Ông Vũ Văn Nghĩa, ấp Tân Thành, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã cải tạo vườn tạp, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây tiêu đạt năng suất cao.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT, những năm 2011-2014 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng. Trong thời gian này, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản bị sa sút, giá giảm, nhưng ngành hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh. Kéo theo đó, các nhà vườn đã chặt bỏ những vườn cây cho thu nhập thấp như cao su, cà phê, điều… để trồng tiêu. Việc gia tăng nhanh diện tích vườn tiêu đang phá vỡ quy hoạch cây trồng của tỉnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sâu bệnh, giá cả không ổn định… mà nông dân phải đối mặt. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích trồng tiêu cả nước đã tăng lên hơn 62.000ha, vượt xa quy hoạch của Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt là đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 duy trì ổn định ở mức 50.000ha.
Niên giám thống kê năm 2012 cho thấy, toàn tỉnh BR-VT có hơn 8.100ha tiêu, cung cấp cho thị trường khoảng 160.000 tấn/năm. Khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng tiêu đã tăng rất nhanh. Chỉ tính riêng huyện Châu Đức hiện đã có gần 5.400ha, trong đó diện tích tiêu cho thu hoạch hơn 5.000ha. Theo đánh giá của Chi hội Hồ tiêu BR-VT, việc phát triển ồ ạt diện tích cây tiêu trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch phát triển cây tiêu. Điều đó khiến ngành nông nghiệp khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh, ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc đua nhau loại bỏ cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi tiêu là cây trồng khó tính và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Mặt khác, việc chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt vườn tiêu sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và nguy cơ “trồng rồi chặt” tái diễn sẽ tác động xấu đến đời sống của người trồng tiêu.
Ông Nguyễn Minh Tiên (bìa trái), ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức đang chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn tiêu hiệu quả. |
Bà Nguyễn Thị Ba, một hộ trồng tiêu tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện bệnh chết nhanh trên cây tiêu, gây thiệt hại cho nông dân và cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân để phòng trừ. Mặc dù áp dụng kỹ thuật canh tác của ngành nông nghiệp hướng dẫn, nhưng từ năm 2013 đến nay vườn tiêu của bà đã xảy ra hiện tượng chết nhanh, lan ra trong vườn tiêu 8 sào mà chưa có cách khắc phục hiệu quả. Theo ghi nhận, hiện tượng vàng lá rồi héo cả trụ tiêu đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa có giải pháp phòng trừ hiệu quả.
Tìm hướng canh tác bền vững
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nông dân không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích trồng tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, kéo theo giá tiêu sẽ giảm. Thay vì phát triển ồ ạt, người trồng tiêu cần tìm hướng phát triển bền vững cho cây tiêu theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tiên (ấp Kim Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức), một hộ có kinh nghiệm trồng tiêu từ năm 1995 cho biết: Năm 1995 với diện tích ban đầu là 0,2ha, đến nay gia đình ông đã có 2,5ha tiêu đang cho thu hoạch. Chỉ tính riêng vụ tiêu 2013-2014, gia đình ông thu được 12 tấn. Ông Tiên tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi ha tiêu đang cho trái (năm thứ 5), với giá bán ở mức 190.000 đồng/kg như hiện nay có thể thu lợi khoảng 800 triệu đồng. Theo kinh nghiệm của ông Tiên, để cây tiêu phát triển và cho năng suất cao, mùa mưa cần chú ý đến vấn đề thoát nước nhằm phòng bệnh chết nhanh. Khi bón phân, nên tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh để tăng tuổi thọ cho cây tiêu. Việc sử dụng phân hóa học phải cân đối, tránh tình trạng bón thừa. Người trồng tiêu phải chủ động trong việc phòng bệnh, coi biện pháp phòng ngừa bệnh là chính. Theo đánh giá của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Đức, mô hình trồng tiêu của ông Nguyễn Minh Tiên rất đáng được học tập và nhân rộng. Vườn tiêu này được chia thành những lô trồng riêng biệt từ 100-150 trụ với hệ thống tưới, tiêu hợp lý.
Giá tiêu tăng cao khiến người dân phá bỏ những vườn cây hiệu quả thấp để trồng tiêu. Trong ảnh: Vườn điều 0,5ha của ông Nguyễn Văn Tự, xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) đang bị phá bỏ để trồng tiêu. |
Trao đổi với bà con nông dân canh tác cây tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc do Sở KHCN tổ chức mới đây, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đất – phân bón và môi trường phía Nam thuộc Viện thổ nhưỡng và nông hóa cho rằng, việc nông dân ồ ạt trồng tiêu khó tránh khỏi những rủi ro về dịch bệnh, thị trường, giá bán có thể xảy ra trong thời gian tới. Vì vậy, người trồng tiêu cần quan tâm đến quy trình sản xuất hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Tiêu là cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng. Diện tích cây trồng khác kém hiệu quả đang được thay thế bằng cây tiêu và diện tích trồng mới cây tiêu đã tăng nhanh trong khoảng 2 năm nay. Để vườn tiêu trồng mới phát triển tốt, Chi Cục bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân chỉ trồng mới trên những nền đất có điều kiện thuận lợi; chọn giống tiêu phù hợp, mật độ trồng và hệ thống tưới tiêu cần hợp lý.
Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị xuất khẩu. Mục tiêu của quy hoạch này là duy trì diện tích trồng tiêu ở mức 50.000ha, năng suất đạt 30tạ/ha và sản lượng đạt 140.000 tấn. BR-VT là một trong 6 tỉnh được quy hoạch là vùng trồng tiêu trọng điểm, diện tích quy hoạch của BR-VT là 7.000ha.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 3 năm qua ngành hồ tiêu có bước phát triển vượt bậc, nhiều hộ trồng tiêu trở nên giàu có. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước thách thức, đòi hỏi của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu sản xuất canh tác tự phát, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì nguy cơ xấu về sản xuất và thương mại là rất lớn.