Trụ tiêu là cây chống đỡ để tiêu bám vào đó trong suốt đời sống. Có 2 loại trụ tiêu là trụ sống và trụ chết.
1.Trụ sống: Là cây đang sống để cho tiêu bám vào. Dùng cây sống làm trụ tiêu có ưu điểm là dễ kiếm và dễ nhân giống bằng hạt, bằng cành, che bóng một phần cho tiêu còn nhỏ, lá cây rụng xuống giúp tăng chất hữu cơ cho đất. Nhược điểm là cạnh tranh một phần nước và chất dinh dưỡng của cây tiêu, hằng năm tốn công xén tỉa, mật độ trồng tiêu thường thưa, cây trụ sống có thể là nơi ẩn náu, lan truyền sâu bệnh.
Cách khắc phục nhược điểm: Cây dùng làm trụ sống phải có cọc ăn sâu để bớt cạnh tranh dinh dưỡng và nước, có tuổi thọ dài (trên 30 năm), vỏ nhám và không bị tróc, ít bị sâu bệnh hại, sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu hạn úng tốt. Nếu được cây họ đậu thì càng tốt vì sẽ làm cho đất màu mỡ thêm.
Những cây thường dùng làm trụ sống cho tiêu: cây anh đào giả, cây bình linh, cây vông nem, cây lồng mức, cây muồng xiêm… Ngoài ra cũng có thể dùng một số cây khác như keo ấn độ, muồng đen, cối rừng, cây gòn và các cây ăn quả như mít, xoài, cau, dừa, cây dâu tằm…
Lưu ý khi trồng tiêu bằng trụ sống:
-Phải trồng cây trụ sống trước khi trồng tiêu 1-2 năm.
-Sau khi trồng được 2-3 năm phải tỉa cành lá, cho thân thẳng, khi cây cao khoảng 4m thì phải chặt ngọn để tạo tán.
-Hằng năm trong mùa mưa tỉa bớt tán lá cho vườn thông thoáng, mùa khô nắng để cây ra lá cho có bóng râm.
-Khi trồng tiêu với trụ sống phải trồng xa trụ trên 0.5m, với dừa phải trồng xa 2m để không bị rễ dừa cạnh tranh.
Hiện nay trồng tiêu với trụ sống là phương pháp được khuyến khích hơn để bảo vệ rừng và môi trường sống.
2.Trụ chết: trụ chết có thể là cây gỗ, trụ xây gạch hoặc trụ xi măng. Ưu điểm khi dùng trụ chết là không cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, không cần trồng trước lâu, nếu là trụ gạch haowjc xi măng thì rất bền, có thể tồn tại suốt đời sống cây tiêu. Nhược điểm là chi phí đầu tư lớn, trụ gạch hoặc xi măng toả nhiệt mạnh làm tổn thương rễ bám của tiêu, phải che tủ ở trên để có bóng râm, nếu là cây gỗ chết loại xấu thì dễ bị mối mọt làm hư hỏng, gỗ tốt thì rất khó tìm.
Lưu ý khi trồng tiêu bằng trụ chết:
– Trụ gỗ:
+ Phải là trụ bền chắc, không bị mối mọt và nấm để đảm bảo cho suốt đời sống của cây tiêu (20-30 năm).
+ Trụ phải cao từ 3,5 – 4 m, đường kính trên 15cm, chôn sâu xuống đất 0,6-1m. Lỗ chôn nên xử lý thuốc trừ mối, để cây trụ thêm vững chắc dùng dây thép nối các đầu cây trụ lại với nhau.
+ Các cây thương dùng làm trụ chết: căm xe, cà chắc, cà đuối, tàu láu, sầu đâu…Ở Phú Quốc thường dùng lõi cây thanh trà, ở U Minh dùng cây cóc rừng làm trụ tiêu cũng tốt.
-Trụ xây gạch:
+ Trụ xây hình vuông hoặc hình tròn, cao 3,5 – 4 m, đường kính đáy 0,8-1,2m, đường kính chóp 0,5-0,8m, có hình tháp, móng sâu xuống đất khoảng 0,5m. Ruột tháp rỗng, xung quanh tháp xếp gạch thành các lỗ hỏng.
+ Có thể đổ trong ruột tháp phân chuông ủ hoai để cung cấp thêm dinh dưỡng, giữ ẩm và điều hào nhiệt độ cho trụ tiêu.
-Trụ bằng xi măng: Cột xi măng, lõi thép hình vuông, mỗi cạnh 12-15cm, cao 3-4m.
Cần chú ý: Trụ bằng gạch hoặc xi măng khi cây tiêu chưa che phủ hết thì hút nhiệt rất mạnh, nhiệt độ bề mặt trụ có thể lên tới 50-60°C sẽ ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây. Vì vậy thời gian đầu, khi cây còn nhỏ cần được che chắn, tưới nước, bón phân đầy đủ.
Trường hợp chưa kịp chuẩn bị trụ chính bạn có thể chuẩn bị trụ tạm cho cây bò lên. Trụ tạm có thể là trụ bằng gỗ không tốt lắm, sử dụng được 1-2 năm rồi thay trụ chính.
Sau khi đã chọn được trụ tiêu bược tiếp theo là chuẩn bị đất trồng tiêu bao gồm các công đoạn như thiết kế vườn tiêu, làm đất, đào hố, lắp mô trồng…. Quy trình chuẩn bị đất trồng này sẽ được chia sẻ trong bài viết tiếp theo:
Hướng dẫn trồng và chăm sóc hồ tiêu phần 2: chuẩn bị đất trồng, cách trồng cây
Hướng dẫn trồng và chăm sóc hồ tiêu phần 3: Chăm sóc tiêu sau trồng
(Tài liệu tổng hợp theo sách Bác sĩ cây trồng, KS.Nguyễn Mạnh Chinh-TS. Nguyễn Đăng Nghĩa)