Nam Trung bộ khô hạn khốc liệt

Đã qua mùa mưa nhưng nhiều hồ chứa vùng Nam Trung bộ vẫn ở mực nước chết. Do vậy, vụ ĐX 2014-2015, các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt tại Ninh Thuận và Khánh Hòa hạn hán sẽ rất khốc liệt….

Tại Ninh Thuận, theo báo cáo Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, mặc dù cơn bão số 5 được xem “cứu cánh” để cải thiện tình hình nước ở các hồ đập bị khô cạn từ đầu năm đến nay, tuy nhiên bão đi qua mà lượng mưa trên địa bàn không đáng kể; lượng nước tại các hồ, đập thiếu hụt trầm trọng. Tính đến nay nguồn nước tại 20 hồ chứa nước do Cty quản lý chỉ còn tích được 39,43/192,21 triệu m3, chiếm 20,51% tổng dung tích thiết kế. Mực nước tại các hồ chứa so với cùng kỳ năm 2013, chỉ bằng 11,08%. Ngoài ra, nước hồ thủy điện Đơn Dương (Lâm Đồng) so với cùng kỳ năm 2013 chiếm 90,11% tương đương khoảng 148,68/165 triệu m3. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chăn nuôi, đặc biệt là SXNN trong vụ ĐX 2014-2015 trên địa bàn tỉnh hết sức nghiêm trọng. Lượng nước các hồ chứa trong tỉnh đang xuống nhanh do thời gian qua nắng nóng kéo dài, không có mưa bổ sung. Kế hoạch SX vụ ĐX 2014-2015 chủ yếu tập trung ở vùng có nước tưới như hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm, Sông Pha (lấy nước từ hồ thủy điện Đơn Dương). Một số hồ chứa nước như Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn (huyện Thuận Nam); Nước Ngọt (huyện Ninh Hải); Cho Mo (huyện Ninh Sơn); Sông Sắt, Trà Co (huyện Bác Ái); Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi (huyện Thuận Bắc); Lanh Ra (huyện Ninh Phước) thì chỉ gieo cấy một phần diện tích trên cơ sở cân đối nguồn nước. Các hồ còn lại chủ yếu là ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và khi nào thời tiết có mưa, căn cứ vào lượng nước thực tế, Cty sẽ phối hợp với UBND huyện, xã, tổ dùng nước có kế hoạch gieo cấy cho từng xứ đồng cụ thể. Còn ông Phạm Văn Hường, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết: Để chủ động trong việc chống hạn, tưới tiêu phục vụ SX ĐX 2014-2015, Cty chúng tôi đã có phương án chi tiết, phân công công việc cụ thể đến từng đơn vị. Qua tính toán cân đối lượng nước, dự kiến diện tích gieo cấy vụ ĐX 2014-2015 là 19.947 ha, giảm gần 5.000 ha so kế hoạch. Trong đó, vùng cắt giảm nhiều nhất phải kể đến vùng SX thuộc hạ du hồ Sông Trâu, hiện hồ chứa này chỉ còn trên 4 triệu m3/dung tích thiết kế 31,7 triệu m3 nên chỉ đảm bảo diện tích SX cho 725 ha/2.400 ha và hồ Bà Râu chỉ đảm bảo SX cho 200 ha/660 ha. Tương tự, đối với hệ thống hồ Sông Biêu, Tân Giang, Suối Lớn (huyện Thuận Nam) do tình hình thời tiết nắng hạn, không có mưa khu vực đầu nguồn nên mực nước tại các hồ chứa cũng đang xuống rất nhanh. Do đó, Cty chỉ khoanh vùng diện tích gieo cấy cho các diện tích tưới tự chảy, cụ thể như sau: Hồ Sông Biêu dự kiến gieo cấy vụ ĐX 2015: 50 ha lúa; hồ Tân Giang: 150 ha; hồ Suối Lớn: 30 ha và ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi. Còn hệ thống tưới của hồ Cho Mo (huyện Ninh Sơn) theo kế hoạch SX khoảng 17 ha/453,4 ha… Để thực hiện các biện pháp chống hạn đảm bảo phục vụ SX ĐX có hiệu quả, ông Hường đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí chống hạn sớm ngay từ đầu vụ, chủ động triển khai, nạo vét, đắp đập, giữ nước ngọt và khoanh vùng bơm chống hạn kịp thời. Cũng như Ninh Thuận, tại Khánh Hòa từ đầu năm đến nay rất ít mưa, lượng mưa phổ biến đạt dưới 50% so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông tiếp tục xuống và ở mức thấp. Cơn bão số 5 vừa qua chủ yếu gây mưa trên biển, trong khi lượng mưa trên đầu nguồn không thấm vào đâu để bổ sung nguồn nước cho các hồ đập đã cạn kiệt. Đã qua mùa mưa nhưng hồ Thành Sơn (Ninh Thuận) vẫn trơ đáy Theo ông Đoàn Phi Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Cty TNHH MTV KTCTTL Nam Khánh Hòa, lượng nước trữ tại các hồ chỉ đạt trung bình 40% dung tích thiết kế, trong đó có một số hồ đang ở gần mực nước chết như hồ Cam Ranh chỉ còn 2,7/22,1 triệu m3, hồ Am Chúa 0,27/4,7 triệu m3, hồ Suối Hành 0,53/7,5 triệu m3. Vụ ĐX 2014-2015 sắp tới phải đối mặt với nguy cơ hạn hán rất gay gắt. Ông Đỗ Hồng Hải, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Nam Khánh Hòa cho biết: Cty đã lên phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng thông qua nguồn nước hiện có ở các hồ chứa. Tuy nhiên trong vụ ĐX này Cty buộc phải cắt giảm trên 1.000 ha do thiếu nước tưới. Trong trường hợp cần thiết Cty sẽ tăng cường bơm mực nước chết để phục vụ cấp sinh hoạt. Cũng theo ông Hải, bên cạnh các biện pháp công trình như: nạo vét kênh mương, hồ chứa, bể hút trạm bơm và cửa lấy nước; lắp đặt các trạm bơm dầu, bơm điện dã chiến; đắp đập tạm giữ nước; đào ao, khoan giếng trữ nước… thì tùy theo điều kiện cụ thể mỗi vùng để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp. Riêng các diện tích thường bị hạn cuối vụ có thể gieo sạ trước lịch thời vụ hướng dẫn 7 ngày. Các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng hoặc giống cấp xác nhận, lượng giống gieo sạ 100-120kg/ha (đối với giống lúa thuần), 40kg/ha (đối với giống lúa lai). Bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý. Chuyển đổi cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng cho các vùng đất không có khả năng cung cấp nước. Làm lịch cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt theo hình thức tưới luân phiên. Những vùng chủ động nước đề xuất địa phương phối hợp với nhân viên tưới từng địa bàn của văn phòng, áp dụng tưới nông – lộ – phơi, tưới ướt, khô xen kẽ tùy theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa…

PV – KIM SƠ…

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận