Thủng vựa nông sản Tây nguyên

Cũng như nhiều nông hộ trồng cà phê ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, gia đình chị Nguyễn Anh Đào phải khoan giếng, lấy nước tưới cà phê. “Nhiều nơi khoan xuống sâu cả trăm mét mà vẫn không có nước”, chị Đào nói.

Theo một lãnh đạo thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Đắk Lắk, việc khai thác nước ngầm tại địa phương đã vượt mức an toàn. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc thực hiện năm 2008 cho thấy các nông hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên tưới 3 lần mỗi vụ. Vậy mà 3 năm gần đây, gia đình chị Đào phải tưới cà phê khoảng 5-6 lượt trước khi mùa mưa tới.

Được xem là thủ phủ của vựa cà phê Tây Nguyên nhưng việc canh tác của Đắk Lắk lại khá nhỏ lẻ và tự phát. Theo ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Chủ tịch Thành phố Buôn Ma Thuột, số hộ có diện tích canh tác dưới 2 ha như gia đình chị Đào chiếm khoảng 93%. Quy mô manh mún dẫn đến tình trạng khoan giếng tràn lan vào mùa khô.

Tình trạng khô hạn diễn biến phức tạp trong những năm gần đây nhưng diện tích cà phê mới vẫn tăng theo từng năm. Riêng Đắk Lắk, ông Việt ước tính cà phê đóng góp khoảng 30% việc làm trực tiếp và gián tiếp. Rõ ràng, thiếu nước ngầm là một vấn đề cấp bách, tác động trực tiếp đến sinh kế của một lực lượng lao động đáng kể nơi đây.

Ngoài biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước trong mùa khô còn do con người. Không chỉ bị lâm tặc tàn sát, nhiều cánh rừng còn bị xóa sổ để phục vụ phát triển thủy điện. Trao đổi với NCĐT, Giáo sư Lê Huy Bá nhận xét: “Không có rừng che phủ, lượng nước ngầm trong đất cũng bị suy kiệt, độ ẩm của đất giảm, các vi sinh vật cũng mất theo. Có vùng đã có biểu hiện của sa mạc hóa, hạn hán quanh năm, cây khô cằn không phát triển được”.

Diện tích rừng ở Tây Nguyên bị thu hẹp còn do sự xâm thực bởi làn sóng ồ ạt trồng cao su những năm qua. Ông Bá cũng quan ngại khả năng nguồn cung nước phục vụ cho phát triển nông nghiệp vào mùa khô sẽ bị chia sẻ khi 2 nhà máy luyện alumin ở Nhân Cơ và Tân Rai vận hành hết công suất.

Khác với sự lo ngại của nhà khoa học, lãnh đạo các công ty xuất khẩu cà phê cho biết mối quan tâm của họ luôn là sự biến động giá của cà phê nguyên liệu chứ không phải khô hạn.

Người dành sự quan tâm nhất định đến vấn đề nước ngầm ở Tây Nguyên là ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinamit, dù trong danh sách mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp không có cà phê. Ông Viên cảnh báo mối nguy thẩm thấu một số loại thuốc bảo vệ thực vật xuống các mạch nước ngầm trong quá trình bơm tưới. Giáo sư Bá phân tích thêm rằng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị thẩm thấu có khả năng phá vỡ mạng lưới mao quản của đất, cản trở quá trình hút nước tự nhiên của cây trồng.

Theo ông, nếu không có những thay đổi tích cực, lượng nước ngầm chắc chắn sẽ suy kiệt. Khi đó, những tổn thất sẽ không chỉ dừng lại ở sự mất mát của vựa nông sản Tây Nguyên

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận