Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xuất khẩu 126.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 750 triệu USD, tăng 18% về lượng nhưng giảm 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Theo nhận định của Hiệp hội, nhu cầu sử dụng hồ tiêu thế giới ngày càng tăng mạnh, mục tiêu xuất khẩu 180.000 tấn hồ tiêu trong năm 2017 là điều dễ dàng thực hiện.
Hiện nay giá hồ tiêu xuất khẩu trung bình ở mức 90.000 đồng/kg và vẫn còn tiếp tục nhích lên do nhu cầu của nhà nhập khẩu thế giới. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện nay sản lượng hồ tiêu Việt Nam, cũng như lượng hồ tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 60% nhu cầu của khách hàng khắp thế giới. Không những vậy, sản phẩm tiêu sạch của Việt Nam vẫn đang là nguồn hàng được ưa chuộng của các khách hàng khó tính như thị trường Mỹ, Đức, châu Âu, Nhật Bản,…
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu Lâm Sang (Đồng Nai), trong 6 tháng đầu năm 2017, hợp tác xã đã xuất khẩu 300 tấn tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn của thị trường Đức và châu Âu, gấp đôi số lượng so với cùng kì năm ngoái. Nhu cầu của thị trường khó tính này còn rất lớn, họ sẵn sàng đặt hàng với Hợp tác xã 5.000 tấn tiêu mỗi năm, nhưng khả năng sản xuất hiện nay để đáp ứng được tiêu chí chất lượng vẫn còn rất ít.
Thậm chí vừa qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới về tiêu sạch, Việt Nam đã phải nhập khẩu hơn 20.000 tấn tiêu sạch từ Campuchia về chế biến xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu.
Thêm một điều đáng mừng nữa là: Việt Nam đang là nước đứng đầu trong các nước xuất khẩu hồ tiêu vào Pakistan. Pakistan là nước có nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu cao và ổn định trong khi không trồng được hạt tiêu nên phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu:
Năm 2016, tổng nhập khẩu tiêu của Pakistan là 11 nghìn tấn, trị giá gần 44 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 8,8 nghìn tấn, trị giá hơn 36 triệu USD, chiếm 80% thị trường. Pakistan đứng thứ 7 trong các thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam, chiếm 6% lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên để có chất lượng tiêu tốt không là điều đơn giản, nó phải được sự cân bằng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố như giống cây trồng, phòng, chống dịch bệnh trên cây tiêu một cách an toàn, các yếu tố về phân bón, tưới nước cho cây tiêu…
Theo đó, ngành Nông nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tiêu biểu là Đăk Nông đã khuyến khích người dân phát triển cây hồ tiêu ở các quy mô vườn gia đình, trang trại, nông, lâm kết hợp… Đồng thời, việc hướng dẫn nông dân trồng tiêu trên trụ bằng cây sống hay xây trụ bê tông, gạch để làm trụ tiêu, hạn chế khai thác cây rừng cũng được các địa phương, cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức triển khai. Cũng như để hạn chế tình trạng dịch bệnh đang diễn ra tại các vườn tiêu, việc ứng dụng các biện pháp trồng xen canh, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, tưới nước nhỏ giọt… ngày càng được người dân quan tâm, ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.