Ứng dụng Khoa học trong nền nông nghiệp hiện đại tại Thanh Hóa

Nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật, máy móc hiện đại để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp.

Tối ưu hóa quy trình sản xuất

Ứng dụng Khoa học trong nền nông nghiệp hiện đạiLà một trong những người tiên phong xây dựng mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, ông Vũ Văn Phượng ở thôn 5, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) đã đầu tư phát triển được 3.000m2 nhà màng, nhà lưới để trồng dưa vàng.

Ông Phượng cho biết, ngoài xây dựng nhà màng để hạn chế sự ảnh hưởng của côn trùng và thời tiết, ông đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Trước đây, ông phải thuê nhân công để tưới nước và phân bón cho từng gốc dưa, thì nay hệ thống tưới sẽ tự động cung cấp đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây mà không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Theo ông Phượng, phương pháp này còn ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa, giảm rửa trôi của nước và chất dinh dưỡng dưới vùng gốc. Ngoài ra, còn kết nối với điện thoại thông minh để ở xa vẫn kiểm soát được các thông số cũng như điều chỉnh được thời gian, lượng phân bón phù hợp.

“Sau khi ứng dụng công nghệ này, tôi đã tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, sản phẩm cũng có mẫu mã đẹp và chất lượng đồng đều hơn. Nhất là, có thể tích hợp được nhiều công đoạn chăm sóc cây trồng và kiểm soát được ở mọi lúc, mọi nơi” – ông Phượng chia sẻ.

Không chỉ các trang trại trồng trọt mà nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống cung cấp cho vật nuôi ăn, uống tự động, hệ thống cảm biến nhằm kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi, lò ấp trứng tự động hóa… để cắt giảm được thời gian và chi phí thuê nhân công, đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh.

Ông Trịnh Tô Xuân ở xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) cho biết, trước đây, với tổng đàn gà khoảng 5.500 con/lứa, gia đình ông phải thuê từ 7 – 9 lao động để hoàn thành các công việc cho ăn, uống, tưới chuồng, điều chỉnh quạt gió… Tuy nhiên, với việc áp dụng hệ thống tự động; chăm sóc đàn gà thông qua điện thoại thông minh, gia đình đã giảm 4 lao động.

Ông Xuân cho biết thêm, quy trình cho ăn, uống phù hợp với từng đàn gà, từng lứa tuổi đều được cài đặt qua hệ thống, khi cần thay đổi chỉ cần điều chỉnh qua điện thoại. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa bảo đảm cho gà sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm 1/3 nhưng chất lượng đàn gà được bảo đảm. Đặc biệt, có thể tiết kiệm được thời gian sản xuất và hạn chế được nhân công ra vào trang trại, giảm thiểu được tác nhân gây bệnh cho gà.

Mo-hinh-tuoi-buoi-tu-dong-tai-Thanh-HoaMô hình trồng bưởi diễn được ông Lê Xuân Hoằng (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) đầu tư hệ thống tưới tự động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã xuất hiện không ít mô hình ứng dụng khoa học – kỹ thuật và máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại. Giải pháp này không chỉ giúp quản lý hiệu quả thời gian, chi phí đầu tư mà còn giúp các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Từ đó, để người dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến.

Đưa trí tuệ nhân tạo vào sản xuất

Với vùng nguyên liệu từ 7.000 – 8.000ha mía, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân – Thanh Hoá) đã tích cực triển khai các ứng dụng số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quản lý vùng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất. Năm 2022, công ty phối hợp với tổ chức chính phủ AUS4INNOVATION thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Trường Đại học Wollongong, Australia và các đơn vị liên quan tại Việt Nam lắp đặt và chuyển giao công nghệ mắt thông minh (Smart Eye) trong sản xuất mía nguyên liệu.

Đây là một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng công nghệ máy nông nghiệp bay không người lái và internet vạn vật (IoT) để giúp công ty và người dân trồng mía theo dõi độ ẩm trên ruộng, tối ưu hóa việc tưới nước, mức độ dinh dưỡng và nhiễm bệnh của mía. Qua đó, cán bộ kỹ thuật và nông dân sản xuất mía đưa ra quyết định xử lý kịp thời để cải thiện năng suất và giảm chi phí sản xuất.

Category-may-bay-nong-nghiep-DJIÔng Lê Huy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết, cùng với mắt thông minh, công ty đang ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) bằng hệ thống AI để phân tích quy trình canh tác, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp.

Toàn bộ các thông tin vùng mía được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo cho người dân. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển mía nguyên liệu, công ty ứng dụng điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ bảo đảm kế hoạch sản xuất phù hợp, và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.

Vụ xuân 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hoá cũng đã phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Griffith thực hiện lắp đặt hệ thống AI để đo đạc, thu thập dữ liệu phát thải khí nhà kính (KNK) trong sản xuất lúa nước tại xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) và tại xã Hà Long (Hà Trung) với diện tích gần 10ha.

Thông qua lắp đặt các thiết bị cảm biến để đo lượng phát thải khí CH4 qua kiểm soát tưới ướt khô xen kẽ (AWD) và các chỉ số độ ẩm, nhiệt độ, PH, NPK… Hệ thống cũng sẽ hỗ trợ việc xác minh các phương pháp quản lý, chống thất thoát sau thu hoạch, không đốt rơm rạ sau thu hoạch thông qua ảnh vệ tinh. Cùng với đó, hệ thống giúp người dân theo dõi mức độ phát thải KNK và tối ưu hóa các hoạt động, giảm chi phí, tăng thu nhập, canh tác nhằm giảm lượng phát thải KNK, tạo nền tảng thu lợi nhuận từ tín chỉ các-bon.

Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp giải quyết được rất nhiều vấn đề vướng mắc đang đặt ra hiện nay liên quan đến quy trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Sử dụng AI trong sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất thông qua các thiết bị phát hiện sớm các vấn đề trong sản xuất như sâu bệnh hoặc thời tiết xấu.

Thông qua việc ứng dụng AI, giúp cho người dân đưa ra các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro, chi phí sản xuất. Các ứng dụng của AI giúp nông dân quản lý đất, tưới cây và thu hoạch nông sản một cách tối ưu. Đồng thời, giúp ngành nông nghiệp dự đoán được sự bất ổn về môi trường và đưa ra các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại.

Ông Trung cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 242.675ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Để nông dân có thể tiếp cận được các công nghệ mới, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Cùng với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao công nghệ cho người dân, HTX ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tham khảo thêm: Thiết bị tưới tại Thanh Hóa

Tổng hợp từ báo Thanh Hóa

 

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận