Mục lục
Phân tích ưu điểm nhược điểm Hệ thống tưới nhỏ giọt
Ưu điểm Hệ thống tưới nhỏ giọt
- Hiệu quả sử dụng nước cao: đây là ưu điểm rất lớn của Hệ thống tưới nhỏ giọt nhờ vào một số đặc điểm: Cung cấp nước tưới trực tiếp đến vùng rễ, giảm thiểu sự bốc hơi, đặc biệt khi áp dụng kèm Màng phủ nông nghiệp hoặc tủ gốc bằng rơm rạ. Thường đạt hiệu quả sử dụng nước lên đến 90-95%.
- Tiết kiệm nước đáng kể so với các phương pháp khác. Do nước dẫn trực tiếp tới bộ rễ cũng như hiệu quả sử dụng nước cao, nên chúng ta có thể tính toán chính xác lượng nước tưới dự trên nhu cầu của từng loại cây trồng, theo từng giai đoạn, trong từng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
- Giảm thiểu thất thoát phân bón/chất dinh dưỡng: Ứng dụng tưới nhỏ giọt giúp giảm rửa trôi và đảm bảo chất dinh dưỡng đến được rễ. Tưới phân qua hệ thống nhỏ giọt dễ dàng thực hiện.
- Thích hợp cho địa hình không bằng phẳng và cánh đồng có hình dạng không đều: Không cần san phẳng đất nhiều.
- Kiểm soát cỏ dại: Giữ cho bề mặt đất khô hơn giữa các cây, ức chế sự phát triển của cỏ dại. Đặc biệt phù hợp với việc ứng dụng màng phủ nông nghiệp, hay tủ gốc bằng rơm rạ.
- Giảm bệnh tật: Không làm ướt lá, không tạo ẩm nướt, giảm tỷ lệ mắc bệnh nấm.
- Chi phí năng lượng thấp hơn: Hoạt động ở áp suất thấp hơn so với hệ thống phun nước.
- Giảm xói mòn đất: Nước sẽ thấm từ từ, nhẹ nhàng vào trong đất giúp ngăn ngừa xáo trộn đất.
- Có thể sử dụng Nước tái chế một cách an toàn hơn: An toàn hơn ở khía cạnh nước thải không văng lên trên, không tạo mùi hôi hay các vấn đề bệnh dịch.
- Tiết kiệm nhân công: Tự động hóa được triển khai dễ dàng.
- Cải thiện chất lượng và năng suất cây trồng: Độ ẩm đồng đều trong vùng rễ cây sẽ tối ưu hóa sự phát triển của cây.
Nhược điểm Hệ thống tưới nhỏ giọt
Dù có khá nhiều ưu điểm như liệt kê ở trên, tuy nhiên Hệ thống tưới nhỏ giọt cũng có một vài nhược điểm. Trong đó phải kể đến:
- Yêu cầu nguồn nước tưới có chất lượng cao hơn: Do thiết diện mắt nhỏ giọt rất nhỏ, nên yêu cầu cần xử lý nguồn nước kỹ hơn bao gồm cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống lọc nước đầu nguồn.
- Tắc nghẽn: Các đầu nhỏ giọt có thể bị tắc nghẽn do trầm tích, tảo, vi khuẩn phát triển hoặc chất kết tủa hóa học, đòi hỏi phải bảo dưỡng và lọc thường xuyên.
- Cần bảo dưỡng: Cần kiểm tra và vệ sinh hệ thống thường xuyên.
- Dễ bị hư hỏng: Các ống và đầu phun có thể bị động vật gặm nhấm, côn trùng hoặc máy móc làm hỏng.
- Có thể không phù hợp với tất cả các loại cây trồng: Các loại cây trồng cần được tưới phủ toàn bộ hoặc tưới từ trên cao vì những lý do cụ thể (ví dụ: rửa sạch bụi trên lá) có thể không lý tưởng để chỉ sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt.
- Tích tụ muối: Việc thẩm thấu không đủ trong các hệ thống hiệu suất cao có thể dẫn đến tích tụ muối trong vùng rễ.
Ưu nhược điểm Hệ thống tưới phun mưa
Ưu điểm hệ thống tưới phun mưa
- Phân phối nước đồng đều: Khi được thiết kế và vận hành đúng cách, các béc tưới cây có thể cung cấp phạm vi phủ đều trên khu vực được tưới.
- Làm mát vùng trồng: Ưu điểm rất lớn của phương pháp tưới phun mưa phủ tán là vừa cung cấp nước cho lá, cho rễ, và đặc biệt là làm mát vùng trồng.
- Không quá kén nguồn nước: có thể tưới nước có chất lượng kém hơn so với tưới nhỏ giọt, các hạt cặn nhỏ có thể được đẩy qua họng béc tưới.
- Phù hợp với nhiều loại địa hình và loại đất khác nhau: Thích ứng hơn với đất gồ ghề hoặc không bằng phẳng so với tưới bề mặt.
- Có thể bao phủ nhanh chóng các khu vực rộng lớn: Hiệu quả để tưới cho các cánh đồng rộng lớn, tưới rửa bụi, tưới rửa sương muối.
- Tưới chống sương muối và tưới làm mát: Có thể được sử dụng để bảo vệ cây trồng khỏi sương muối hoặc làm mát chúng trong thời tiết nóng.
- Bón phân và hóa chất: Cho phép bón phân và thuốc trừ sâu thông qua hệ thống.
- Ít tốn công hơn so với tưới bề mặt: Tự động hóa là phổ biến.
- Phù hợp với nhiều loại cây trồng: Hầu hết mọi loại cây trồng đều có thể áp dụng hình thức tưới phun mưa.
- Tương đối dễ lắp đặt và điều chỉnh: Thiết lập đơn giản hơn so với hệ thống nhỏ giọt trong một số trường hợp.
Nhược điểm hệ thống tưới phun mưa:
- Hiệu suất sử dụng nước thấp hơn: Có thể xảy ra tình trạng mất nước đáng kể do bốc hơi, gió tạt (đôi khi tưới qua nhà hàng xóm), và tưới ra ngoài vùng rễ có thể hấp thụ, hoặc nước bị tràn ra ngoài (xảy ra khi tưới quá nhanh, nước không kịp thấm)(thường đạt hiệu suất 70-85%).
- Chi phí năng lượng cao hơn: Cần áp suất cao hơn để vận hành máy bơm, đo đó cần bơm công suất lớn hơn.
- Khả năng mắc bệnh trên lá: Làm ướt lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nấm và vi khuẩn, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt.
- Nếu thiết kế không đúng có thể dẫn đến hiện tượng nước tưới không đồng đều (không đạt bán kính, không phủ đều, nước thiếu ở chân béc tưới…)
- Không lý tưởng cho các loại cây trồng nhạy cảm với độ ẩm của lá: Một số loại cây trồng có thể bị hư hại do lá bị ướt trong thời gian dài.
- Có thể dẫn đến đất bị nén chặt: Với một số loại đất mịn khi áp dụng với súng tưới lưu lượng lớn có thể gây ra hiện tượng đất bị nén chắt (nhưng ít gặp).