Mục lục
1. Giới thiệu cây nho
Cây nho có tên khoa học là Vitis vinifera L., thuộc họ Nho – Vitaceae. Được biết đến là một loại cây ăn trái rất ngon và nhiều dinh dưỡng cũng như đem lại giá trị kinh tế cao. Vậy bí quyết kỹ thuật nào giúp trồng cây nho sinh trưởng nhanh và cho năng suất cao? Xin mời các bạn đọc cùng Nhà Bè Agri và tìm hiểu về kỹ thuật trồng nho nhé.
1.1 Đặc điểm cây nho
Nho là loại cây leo có tua cuốn thường leo trên tường đá hoặc thân cây. Lá đối xứng, bản lá to có hình hơi giống trái tim, có xẻ thùy. Hoa nhỏ, có màu hơi xanh, lưỡng tính và cân đối. Quả mọng, thành chùm, có kích thước tùy thuộc vào từng loại giống. Có những loại nho phù hợp để trồng ngoài trời và cũng có một số loại phát triển rất tốt trong điều kiện môi trường nhà kính. Nho là loại cây ưa nắng và phù hợp trồng ở những nơi có nhiệt độ cao. Ở nước ta, Ninh Thuận là nơi có khí hậu nắng nhiều, khô khan rất thích hợp để trồng nho. Đặc biệt, ở đây người ta có kỹ thuật trồng nho rất tốt.
1.2 Thời vụ trồng cây nho
Nho là loại cây ưa nắng, không chịu ẩm ướt, vì vậy nên bắt đầu trồng khi mùa mưa kết thúc. Tức là từ khoảng tháng 12 đến tháng 1 hằng năm.
2. Bí quyết kỹ thuật trồng nho giúp sinh trưởng và tăng năng suất
2.1 Chọn giống
Tùy theo nhu cầu, sở thích và điều kiện môi trường mà bạn có thể quyết định chọn ra giống nho phù hợp nhất. Sau đây là một số giống nho dễ trồng và đang được trồng phổ biến tại Việt Nam.
Giống Cardinal (nho đỏ)
Đây là giống nho rất phổ biến tại Việt Nam. Thịt trái dày, vỏ mỏng và bóng đẹp, có vị chua ngọt. Ưu điểm của giống này là chín khá sớm, tầm 4 tháng một vụ, tức một năm có thể làm được 3 vụ.
Giống nho ăn tươi NH01 – 48 (nho xanh)
Giống nho NH01-48 đang được trồng rất nhiều tại Ninh Thuận, đây là giống nho thuần Việt nên chất cây khỏe, dễ trồng. Quả hình oval, vị chua, thơm. Ưu điểm của giống này là dễ ra hoa và đậu quả nên đạt năng suất cao, trung bình từ 12-15 tấn/vụ/ha. Tuy nhiên, thời gian cắt cành đến lúc chín khá dài 115 – 125 ngày.
Giống nho NH01-93
Giống này có quả màu tím đen khá bắt mắt, thời gian sinh trưởng giống với giống nho đỏ Cardinal và khả năng kháng bệnh cao hơn nho xanh NH01-48. Thời gian sinh trưởng tầm 110-125 ngày sau cắt cành.
Giống NH 01 – 152
Đây là giống nho được lai tạo từ gốc ghép của cây nho dại. Quả có màu đỏ vang đẹp, thịt chắc, giòn, ăn có vị thơm nhẹ rất đặc trưng. Giống NH01-152 có giá trị kinh tế khá cao, giá bán gấp 2-3 lần nho đỏ và nho xanh. Năng suất cao đạt 15-18 tấn/ha/vụ, sản xuất 2 vụ/năm.
2.2 Trồng nho
Thông thường, khi mua các gốc nho về, bạn sẽ thấy có mắt ghép ở gần phần gốc. Khi trồng, bạn nên để phần mắt ghép trên mặt đất để cây nho được phát triển tốt nhất. Đây được xem là một trong những bí quyết kỹ thuật trồng nho vô cùng quan trọng.
Nho thuộc dòng ưa nắng và nhiệt độ cao, vì vậy những nơi có nhiều nắng, nhiệt độ ấm rất phù hợp để trồng nho. Sử dụng tường hoặc hàng rào để làm điểm tựa cho thân nho hoặc sử dụng giàn dây leo chuyên biệt nếu bạn trồng với số lượng lớn.
Giống như các loại cây ưa khô hạn khác, rễ nho cần bầu đất thông thoáng và có độ thoát hơi nước tốt. Vì vậy, cho dù bạn đang trồng ngoài trời hay trong nhà thì khâu chuẩn bị đất là rất quan trọng. Đầu tiên, đào một cái hố rộng rãi và bổ sung thêm sạn, đá perlite để tăng sự thoát hơi nước, phân chuồng ủ hoai hoặc phân trộn trong vườn.Nếu bạn đang trồng ngoài trời, khoảng cách hợp lý giữa các cây nho là 1 – 1,5m và cây cách hàng rào đỡ là 15cm.
Nếu bạn muốn thử sức mình với nghề nấu rượu, hãy trồng những cây dây leo cách nhau 1,5m theo hàng cách nhau 1,5-2m.
2.3 Cách chăm sóc cây nho
Tưới nước
Nên tưới thường xuyên cho nho trong năm đầu tiên, khoảng 1 tuần, 1 lần. Tưới ẩm trực tiếp vào rễ, không được tưới phun sương cho cây nho. Có thể sử dụng giải pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước cũng như tăng hiệu suất và năng suất cây nếu trồng với số lượng lớn hoặc trồng trong nhà kính. Sau khi dây leo hình thành, cây nho sẽ ít cần tưới hơn, nếu tưới quá nhiều cây sẽ bị rụng lá.
Bón phân
Nhu cầu phân bón của cây nho khác nhau tùy thuộc vào từng loại giống nho và từng giai đoạn của cây. Ở giai đoạn cây nho còn non, có thể không cần sử dụng phân bón cho đến hai năm đầu tiên. Thời điểm bón phân hợp lý nhất là vào mùa xuân, khi cây nho đã trưởng thành và có khả năng cho số lượng quả đủ nhiều cũng như chất lượng tốt.
Nếu bón quá nhiều nitơ có thể làm cho cây phát triển mạnh về thân, cành, lá mà không ra hoa. Bón quá nhiều cũng làm chậm quá trình lên màu và chín của quả nho. Lượng phân bón được khuyến cáo phù hợp với cây nho có tỷ lệ 10-10-10 (N-P-K), bón cách gốc nho khoảng 1 bước chân. Kiểm tra đất định kỳ (3-5 năm) và giữ độ PH của đất ở mức 5,0-7,0.
Cắt tỉa nho
Mục đích của việc cắt tỉa là duy trì hình thức, kích thước, sức sống của cây nho và tạo điều kiện tốt nhất cho mùa đậu quả tiếp theo. Thời gian cắt tỉa vào lúc cây không hoạt động, tức là vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Tỉa hầu hết các chồi dư thừa, chỉ đề lại 3-4 chồi trên mỗi cành của thân cây.
Thu hoạch
Tùy thuộc vào giống nho mà thời gian thu hoạch sẽ khác nhau. Quả sẽ căng mọng đổi màu, hạt chuyển từ màu xanh sang màu nâu, nếm thử có vị ngọt, thơm, chua nhẹ là có thể thu hoạch được. Nho nên được hái trong thời tiết khô ráo, vì nho bị ướt rất khó bảo quản. Không nên chất đống nho sau khi thu hoạch tránh làm dập quả, hạn chế cọ xát lớp phấn màu xám đục để quả có thời gian bảo quản được lâu hơn. Nho bỏ trong tủ lạnh có thể giữ được một đến hai tuần.
Nhà Bè Agri hi vọng nội dung trên sẽ hữu ích đến với bạn đọc. Nếu cần hỗ trợ thêm thông tin, có thể liên hệ hotline 1900 2187 để được tư vấn ngay nhé!