Cơ giới hóa nông nghiệp. Thấy mà lo (loạt bài)

Bỏ quên và tan tác.

Đánh giá về thực trạng áp dụng cơ giới vào SX nông nghiệp ở nước ta hiện nay, TS Đoàn Xuân Thìn – Phó Tổng thư ký Hội cơ khí nông nghiệp Việt Nam ngừng giây lát rồi chậc lưỡi nhận xét: “Trừ khâu làm đất có thể xem là tạm được, ngoài ra có máy móc gì đâu?”.

 

Nhìn quanh, chỉ thấy máy tuốt lúa, xát gạo

TS Đoàn Xuân Thìn đã đưa ra bức tranh cụ thể về cơ giới hóa ở tất cả các công đoạn trong SX nông nghiệp hiện nay như sau:

Về máy làm đất, mặc dù xuất hiện ở nước ta từ lâu, nhưng thực tế chỉ phát triển mạnh từ khoảng 10 năm trở lại đây. Dẫu vậy, hiện tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa đã khá lớn, ước đạt khoảng 90-95% ở vùng ĐBSH và ĐBSCL. Tuy nhiên, vùng Trung du MNPB và các vùng núi tỉ lệ này vẫn đang rất thấp, chỉ đạt khoảng 50%. Điều đáng nói, đa số máy làm đất hiện nay lại đều là máy đầu kéo hai bánh công suất rất bé, chỉ từ 8 đến 15 mã lực. Trước xu hướng mở rộng của các cánh đồng mẫu lớn, máy làm đất công suất bé này đang ngày càng lép vế, thay thế vào đó là các loại máy lớn đầu kéo 4 bánh của hãng Kubota đang rất được ưa chuộng.

Về thị phần, máy làm đất do VN sản xuất theo ông Thìn hiện chiếm khoảng 30 – 40%, hầu hết đều do các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ SX. Một DN kinh doanh máy nông nghiệp lớn tại phía Bắc lại cho rằng, máy làm đất NK từ Trung Quốc đang chiếm tới 80 – 85% thị trường. Ngoài ra, máy làm đất cỡ lớn của hãng Kubota cũng bán rất chạy. “Nói là máy do VN SX, nhưng thực ra các cơ sở tư nhân họ chỉ làm được bộ khung công tác, còn đầu nổ thì hầu hết là hàng Trung Quốc NK” – vị này cho biết.

Máy gặt đập liên hoàn Kobuta
Nông dân hứng khởi với chiếc máy GĐLH “second hand” hiệu Kubota

Về máy gieo cấy, đáng chú ý nhất có lẽ là máy cấy MC – 6 – 250 do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) nghiên cứu SX. Trước đây, máy này từng bán được một số lượng nhỏ ở ĐBSCL, tuy nhiên kể từ khi máy cấy Nhật Bản và Trung Quốc (TQ) NK tràn vào VN, mẫu máy cấy này gần như nằm “đắp chiếu” vì rất nhiều nhược điểm. Ngoài sản phẩm trên, có thể “đếm trên đầu ngón tay” thêm công cụ sạ hàng do một nông dân ở Cần Thơ tự chế và máy gieo đậu tương của ông Nguyễn Hữu Tùy (Ứng Hòa, Hà Nội) SX. Tuy nhiên, máy gieo đậu tương của ông Tùy không hiểu vì sao đến nay cũng gần như mất tăm trên thị trường máy nông nghiệp.

Mảng máy thu hoạch được xem là khó nhất trong lĩnh vực máy nông nghiệp, cũng không sáng sủa gì. Đáng chú ý về máy thu hoạch tạm gọi là “madein Việt Nam” có thể kể tới hai kiểu máy gặt lúa. Đầu tiên là mẫu máy gặt lúa rải hàng (do Cty CP cơ khí chế tạo máy Long An và một số đơn vị tư nhân phía Bắc SX). Mẫu máy này hiện đã trở nên quá cổ lỗ sĩ, không tiêu thụ được trên thị trường khi máy gặt đập liên hợp (GĐLH) chiếm lĩnh, và hàng TQ NK cũng chiếm tới 60 – 70%.

Đối với máy GĐLH, đánh giá của Hội cơ khí nông nghiệp VN cho thấy thời kỳ hoàng kim, số lượng máy GĐLH do các nông dân ĐBSCL tự chế tác (tiêu biểu như Tư Sang, Út “máy cày”…) lên tới khoảng 400 chiếc. Tuy nhiên khi máy GĐLH “ngoại” NK tràn vào, số lượng máy nội địa này ở ĐBSCL hiện chỉ còn 200 máy, đang chạy dặt dẹo chờ ngày thành phế thải.

Nhận xét về thực trạng sử dụng cơ giới trong nông nghiệp, anh Nguyễn Xuân Thủy – GĐ Siêu thị Máy nông nghiệp (Hà Nội), người khá rành về thị trường máy nông nghiệp ngán ngẩm tổng kết: “Ngoài máy làm đất NK của TQ và Kubota của Nhật, máy chăm sóc hiện nay chúng ta chẳng có gì. Máy cắt cỏ, tỉa cành thì chúng tôi toàn nhập hàng TQ và Thụy Điển. Máy tuốt lúa thì mấy vụ rồi Siêu thị chẳng bán được cái nào, tương lai sẽ hết thời. Ở phía Nam, tôi thấy có lẽ chỉ còn lại máy xát gạo của Vikyno – Vinapro SX là đáng chú ý mà thôi”.

 

“Ngoài máy gặt đập, gần đây tôi chỉ thấy có máy cắt mía, máy nâng mía do Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu SX, nhưng cũng chỉ đang chạy thử nghiệm, chẳng biết có “ra ngô ra khoai gì không”. Ở phía Bắc, nổi nhất có lẽ chỉ có máy tuốt lúa của Cty Việt Nhật (Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định) SX, nhưng máy tuốt chắc sắp hết thời rồi, bởi máy GĐLH đang nở rộ” – ông Đoàn Xuân Thìn kết lại.

Tan tác cơ khí chế tạo máy nông nghiệp

Sớm tiếp xúc với những thiết bị cơ giới nông nghiệp hiện đại do các nước XHCN viện trợ, nhưng khi mở ra cơ chế thị trường, ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp chống chếnh, đến nay gần như tan tành.

Từng công tác trong ngành cơ khí nông nghiệp từ năm 1963 rồi trở thành “kỹ sư nông dân”, ông Nguyễn Hữu Tùy (Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) hiểu rất rõ về sự thăng trầm của ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp.

18072013180902
Hàng VN mất hút giữa ma trận những loại máy nông nghiệp NK

Ông Tùy nhớ lại thời kỳ trước đổi mới (1986), Việt Nam đã từng được các nước XHCN viện trợ rất nhiều máy cơ khí làm đất, máy thu hoạch… Tuy nhiên, với đặc thù đồng ruộng của nước ta, việc sử dụng các thiết bị máy viện trợ lúc ấy chỉ dừng lại ở các mô hình trình diễn mang tính chất cổ vũ tinh thần nhân dân là chính. Ngay cả những nông trường lớn ở miền Bắc lúc đó như Nông trường Cao Phong, Sao Đỏ, 2/9, Mộc Châu… cũng chưa tiếp thu được.

Mặc dù vậy, nước ta cũng đã từng xây dựng được một bộ máy quản lí nhà nước chuyên quản lí và phát triển cơ khí máy nông nghiệp (Cục Cơ khí nông nghiệp), mà cụ thể là hệ thống các NM SX thiết bị, phụ tùng cơ khí cấp vùng đảm nhiệm SX, chuyển giao thiết bị, phụ tùng máy nông nghiệp đơn giản cho hàng loạt các xí nghiệp máy kéo. Điều đáng tiếc là sau khi xóa cơ chế bao cấp, cùng với việc bộ máy quản lí chuyên ngành về cơ khí nông nghiệp bị giải thể, hàng loạt xí nghiệp máy kéo và NM SX thiết bị máy nông nghiệp cấp vùng bị xóa sổ, đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật lành nghề về lĩnh vực này mỗi người một phương (mà chính ông là một ví dụ).

Sau những năm dài bị bỏ rơi, đến nay, hệ thống các NM SX cơ khí nông nghiệp của nước ta đã gần như tan tác. Theo nhận xét của ông Tùy, Bộ NN-PTNT hiện chỉ còn lại một đơn vị nhà nước duy nhất là Tổng Cty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi có chức năng SX máy nông nghiệp, nhưng thực chất đơn vị này đã “nhãng” ra mảng máy nông nghiệp từ lâu, hiện chủ yếu làm về mảng thủy lợi – thủy điện. Ngoài ra, một vài NM cơ khí nông nghiệp của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) qua thăng trầm của cơ chế thị trường hoặc sống lay lắt, hoặc xem mảng SX máy nông nghiệp như là nghề “tay trái” nên hàng chục năm qua không có bất kỳ sản phẩm máy nông nghiệp nào ra hồn.

“Vài chục qua, ngành cơ khí nông nghiệp gần như Nhà nước bỏ bẵng. Những nông dân tự mày mò sáng chế như tôi, cùng lắm chỉ có thể SX ra những bộ khung công tác cho máy cày, máy kéo, chứ đầu nổ, máy thu hoạch phức tạp thì làm sao đủ sức để làm? Nếu Nhà nước không có chiến lược dài hơi để xốc lại ngành cơ khí chế tạo cho máy nông nghiệp, chúng ta sẽ mãi trở thành “bãi thải”, thành nô lệ của máy móc nông nghiệp NK, mãi không ngóc đầu lên nổi”.

(“Kỹ sư nông dân” Nguyễn Hữu Tùy)

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận