Tin nông nghiệp

Cần một “chiến lược” atisô

Hoa atiso

Giá atiso, chiến lược phát triển Atiso tại Lâm Đồng

Tại Lâm Đồng trong vòng hơn một tháng qua – kể từ trận mưa đá chiều 7/5 đến nay, các loại rau Đà Lạt tăng giá vùn vụt; trong đó, atisô (vừa là cây thực phẩm và vừa là cây dược liệu) là mặt hàng được xem tăng cao bất thường nhất. Một kg bông atisô khô ở chợ Đà Lạt trước đây chỉ trên dưới 200.000 đồng thì nay đã đội lên 650.000 đồng.

Điều đáng nói, theo quy hoạch “Dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển của quốc gia” thì atisô là một trong 6 dược liệu cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm được ưu tiên phát triển giai đoạn đầu của 40 dược liệu ưu tiên phát triển từ 2011 đến 2020.

Ở Việt Nam, atisô được trồng chủ yếu tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và một ít ở Sapa. Tại Đà Lạt, bởi đây là loại cây trồng đặc biệt khó tính nên vào thời hoàng kim nhất, diện tích atisô cũng chỉ đạt đến con số không quá 120ha; trong đó, tập trung ở vùng Thái Phiên của phường 12 khoảng 60ha.

Mặc dầu đến lúc này, loại cây trồng nhập ngoại atisô có thể được xem là cây trồng truyền thống của người dân Đà Lạt nhưng trước sức cạnh tranh khá khốc liệt với các loại cây rau và hoa khác, atisô đã trở nên lép vế. Rồi nữa, với dân nhà vườn Đà Lạt, đây còn là loại cây trồng “phập phù” nhất của xứ rau hoa này.

“Với cây atisô, thời điểm giá tăng cao không dài mà chủ yếu là thấp và kéo dài. Do vậy, nhiều nhà vườn đã phá bỏ cây atisô để trồng rau hoặc hoa công nghệ cao” – ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 (Đà Lạt), cho biết.

Cụ thể, tại phường 12, đến thời điểm này (lúc atisô được giá nhất), diện tích atisô chỉ còn trên dưới 40ha; nếu tính cả Đà Lạt, con số đó cũng không quá 60ha. Trồng atisô cho thu nhập thấp chỉ bằng 1/3 so với trồng rau và 1/4 so với trồng hoa là lý do để nhà vườn Đà Lạt xóa dần diện tích atisô.

Lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cho biết, thực hiện chương trình phát triển cây dược liệu ưu tiên của quốc gia, Đà Lạt đã quy hoạch vùng atisô từ 60ha hiện nay lên khoảng 100ha vào năm 2015. Với quy hoạch này, nhẽ ra cây atisô rất cần một cơ chế “đối đãi” đặc biệt; thế nhưng trong thực tế, giá trị của loại cây dược liệu – thực phẩm này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do thì đúng là chuyện rất đáng bàn!

Theo Khắc Dũng – Báo nông nghiệp

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *