Cây tiêu là một trong những cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn và mang lại lợi ích cho người trồng. Để đưa ra các biện pháp kỹ thuật giúp tiêu đạt năng suất hiệu quả chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu đặc điểm thực vật của cây tiêu để có các biện pháp chăm sóc hợp lí hơn trong từng giai đoạn trồng.
- Thân, cành, lá.
Cây tiêu thuộc loại cây thân thảo, mềm dẻo, mỗi nhánh được phân thành nhiều đốt, mỗi đốt có một lá đơn. Mỗi lá tiêu đều có một cuống bám vào đốt được phân ra, phiến lá hình tim, mọc cách. Ở mỗi nách lá đều có những mầm ngủ là nơi phân chia dây tiêu thành các cành. Cây tiêu có 3 loại cành khác nhau là cành tược, cành lượn và cảnh quả. Tùy vào từng thời kì phát triển mà các dây tiêu sẽ có công dụng khác nhau.
- Dây thân (cành tược).
Dây thân ( cành tược) phát triển từ mầm nách lá ở những cây tiêu nhỏ hơn 1 năm tuổi. Từ một dây thân chính sẽ có những dây thân cấp thấp phát sinh. Cành tược có độ phân cành thấp, chỉ dưới 45 độ nên cành dường như là mọc thẳng hướng lên trên.
Dây thân sinh trưởng khỏe, có lóng ngắn, phần đốt thường có rễ có tác dụng giúp dây tiêu bám vào trụ. Dây thân thường dùng để làm hom giống nhờ khả năng phát triển rễ mạnh giúp cây sinh trường tốt.
Thông thường chúng ta thường sử dụng dây thân để giâm hom, và chỉ sau 2- 3 năm trồng là đây đã có khả năng cho trái, tuy nhiên lấy quá nhiều dây thân sẽ khiến cây không thể phát triển và khép tán. Chính vì vậy chúng ta có thể lấy loại dây thân không có rễ bám vào trụ cọc và thường rũ từ trên đỉnh trụ xuống tán cây, dây thân này cũng có thể dùng để giâm cành hiệu quả.
- Dây lươn (cành lươn).
Dây lươn được phát sinh ở mầm nách tại các đốt nằm gần sát gốc, cành thường có lóng dài và nằm dài ra đất. Dây lươn không cho quả nhưng lại có một khả năng sinh trưởng khỏe, thích hợp sử dụng để giâm, chiết cây. Tuy nhiên thời gian ra quả chậm hơn là dây thân, nhưng thời gian khai thác được lâu dài hơn.
- Nhánh ác (cành quả).
Cành quả là những cành mang trái, số lượng cành quả trên trụ sẽ quyết định đến năng suất của cây tiêu, tuy nhiên mỗi nách lá chỉ có một mầm ngủ là có khả năng phát triển thành cành quả. Cành quả có độ góc phân cành lớn, lóng ngắn. Độ dài cnahf thường chỉ đạt dưới 1, cành khúc khuỷu. Từ những lóng ngắn của cành quả sẽ có những mầm ngủ có thể phát sinh thành những cành quả cấp 2, cấp 3 chính vì vậy khi thu hoạch chúng ta không nên làm tổn thương đến những cành quả chính và không làm gãy những mầm ngủ này.
Tùy vào loại dây nhân giống mà cảnh quả sẽ phát sinh sớm hay muộn.
- Cây tiêu được trồng bằng dây lươn thì sau một năm sẽ phát sinh cành quả.
- Cây tiêu được trồng bằng nhánh ác thường phát triển chậm, không ra rễ để bám vào trụ mà mọc thành bụi nhỏ, cây cho năng suất thấp. Trên thực tế thì không ai sử dụng cành quả để giâm, chiết cây tiêu.
- Rễ tiêu.
Cây tiêu thuộc loại rễ chùm, ăn sâu vào đất. Trong hệ thống câu tiêu thường có tới 3- 6 rễ cái và rất nhiều chùm rễ phụ. Ngoài ra các đốt rể trên dây lươn sẽ giúp cây bám vào trụ và vươn lên.
- Rễ cái: Đây là rễ quan trọng nhất của cây tiêu với tác dụng hút nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây. Rễ cái phát triển mạnh và ăn sâu vào trong lòng đất. Đối với những cây tiêu được giâm bằng dây lươn thì sau khoảng 1 năm độ sâu của rễ có thể ăn sâu tới 2 m. Rễ cái thuộc loại háo khí và không chịu được ngập úng nên phải ăn sâu vào lòng đất.
- Rễ phụ: Các rễ phụ được mọc thành chùm và có khả năng phát triển theo chiều ngang, các rễ nhỏ mọc dày đặc tại những đốt rễ cái và phân bố nhiều ở tầng đất từ 15- 40cm. Nhiệm vụ chính của rễ phụ chính là hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
Rễ phụ cũng không chịu được ngập úng, chính vì vậy bạn cần chú ý các biện pháp cải tạo, thoát nước và giúp đất được tơi xốp vì tầng rễ phụ mọc rất dễ bị ngậm úng. Nếu trong vòng 12- 24 giờ mà rễ chịu ngập úng sẽ dẫn tới hư hối và chết dần. Do vậy phương pháp tưới nhỏ giọt rất phù hợp với cây tiêu, đảm bảo lượng nước cần thiết, nhưng không gây úng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
- Rễ bám: Rễ bám là những chân rễ mọc tại các đốt của dây lươn có tác dụng chủ yếu là giúp cây bám vào trụ, tường hay các bề mặt để giúp cây vươn lên. Rễ bám thường ngắn và chỉ dài từ 1- 3 cm nên không có tác dụng gì trong việc hút nước và chất dinh dưỡng.
- Hoa và quả.
Hoa của cây tiêu mọc theo dạng hoa tự hình gié, dài từ 7- 12 cm tùy từng giống tiêu và điều kiện chăm sóc. Trên mỗi hoa có bình quân từ 20- 60 hoa xếp thành hình xoắn ốc, hoa lưỡng tính và đơn tính. Thông thường những giống tiêu có hoa lưỡng tính sẽ cho năng suất cao nhờ khả năng tự thụ phấn. Độ ẩm cao của môi trường sẽ giúp hoa thụ phấn được cao hơn.
Quả tiêu thuộc loại quả hạch, không có cuống và chỉ mang 1 hạt hình cầu bám vào gié.
Thời gian phát triển từ khi hoa thụ phấn đến khi hạt chín mất từ 7- 10 tháng chia làm 3 giai đoạn gồm:
- Hoa hình thành trên gié và có đầy đủ các bộ phận mất 1 – 1.5 tháng.
- Họa thụ phấn và phát triển trái trong khoảng 4- 5.5 tháng. Trong giai đoạn này hạt phát triển nhanh chóng, kích thước lớn tối đa sau 5 tháng. Giai đoạn này bạn cần cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng để hạt phát triển tối đa.
- Trái chín trong khoảng từ 2- 3 tháng hạt bắt đầu phát triển và có đường kính tối đa.
Các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thường ra hoa từ tháng 5- 6 và chín tập trung vào tháng 10, hạt sẽ hình thành phát triển đến tháng 1 – 2 là có thể thu hoạch. Đối với những lứa hoa nở muộn thì thường chín tập trung vào tháng 4 đến tháng 5.
Các tỉnh Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung thường ra hoa vào tháng 8- 9 và chín tập trung vào tháng 4 đến tháng 6, bạn cần dựa vào thời điểm ra hoa và tạo hạt của cây tiêu để bón phân và chăm sóc đúng thời điểm để giúp cây tăng trường và đạt năng suất tối đa.
(Sưu tầm)