Hàng ngàn ha vườn cây đặc sản ở ĐBSCL bị thiệt hại do hạn mặn

Đến thời điểm này, chỉ riêng ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) có khoảng 1.600ha vườn cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, cùng một số hoa màu bị thiệt hại, do nước mặn tấn công.

Chiều 6-5, theo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), mặc dù các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã, cùng nông dân triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn; nhưng do năm 2020 mặn đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 1.600ha vườn cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm… cùng một số hoa màu bị thiệt hại, do nước mặn tấn công. Trong đó, có hơn 240ha vườn cây bị thiệt hại hoàn toàn; 720ha thiệt hại với tỷ lệ từ 50-70%; khoảng 240ha thiệt hại từ 30-50%; gần 400ha thiệt hại khoảng 30%…

Phá bỏ vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn kéo dài
Phá bỏ vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn kéo dài

Ông Nguyễn Văn Nghi, ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách bộc bạch: “Hơn 3 công sầu riêng 11 năm tuổi của gia đình tôi bị mặn bao vây nhiều ngày. Dù phải mua nước ngọt để tưới và sử dụng các biện pháp ứng cứu, với tổng chi phí gần 20 triệu đồng, tuy nhiên đến giờ này, vườn sầu riêng vẫn bị cháy lá, khô cành… chết tràn lan. Tình hình này xem như phải đốn bỏ hết để làm củi và tính toán trồng lại cây khác”.

Những ngày qua, có nhiều nông dân ở huyện Chợ Lách đã đốn bỏ các vườn cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm… do bị nước mặn tấn công làm chết hàng loạt. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Lách đã có văn bản gửi ngành chức năng, đề xuất hơn 3,4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn.

Nông dân đốn bỏ vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn, để trồng lại cây khác
Nông dân đốn bỏ vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn, để trồng lại cây khác

Tại Tiền Giang, nhiều nông dân cũng thở dài vì vườn cây đặc sản bị ảnh hưởng hạn mặn. Ông Phan Văn Hoằng, Trưởng ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay thương lái thu mua sầu riêng tại vườn dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, nhưng nhiều nông dân không còn sầu riêng để bán do bị mặn tấn công mấy tháng nay, buộc phải hái bỏ bớt trái nhằm cứu vườn cây; một số vườn nếu còn giữ được trái chín thì bị ít lên cơm, chất lượng giảm… Ông Phan Văn Hoằng tính toán, trong 188ha vườn cây đặc sản ở ấp thì đã có 2ha chết hoàn toàn, 8ha bị còi cọc có nguy cơ chết, số vườn cây còn lại bị xuống sức, bởi nước mặn xâm nhập dài ngày. Hiện ngành chức năng hỗ trợ nông dân các giải pháp kỹ thuật nhằm sớm khôi phục lại vườn cây ăn trái.

Nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang xác xơ, rụng lá vì hạn mặn kéo dài

Cũng trong chiều 6-5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho hay, đến nay đã có 25.501 hộ dân trong tỉnh được hỗ trợ gần 811.129m3 nước ngọt nhằm cứu vườn cây ăn trái bị hạn mặn; nhưng do tình hình hạn mặn vẫn còn diễn biến phức tạp nên tỉnh tiếp tục duy trì cấp nước ngọt cứu vườn cây ăn trái đến khoảng giữa tháng 5-2020. Song song đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê diện tích vườn cây bị thiệt hại, mức độ ra sao… nhằm có giải pháp khôi phục và hỗ trợ nông dân. Do diện tích vườn cây ở Tiền Giang rất lớn với hơn 79.000ha, nên dù các địa phương rất chủ động ứng phó, tuy nhiên hạn mặn kéo dài khiến diện tích bị thiệt hại dự báo khoảng vài ngàn ha…

Theo SGGP

[html_block id=”16116″]

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận