Phần 1: Chọn trụ tiêu

Phần 2: Chuẩn bị đất trồng & cách trồng cây

Ở bài viết trước ta đã đề cập đến vấn đề  tủ gốc và che mát cho tiêu ngay sau trồng, nhưng ngoài vấn đề tủ gốc và che mát cần chú ý tưới nước hằng ngày cho đủ ẩm. Nếu gặp mưa lớn phải khơi rãnh cho thoát nước, không để gốc tiêu bị đọng nước. Sau khi trồng 15 ngày phải kiểm tra để phát hiện cây chết và dặm ngay. Cây để trồng dặm được giâm tước trong bầu đất để lớn đều với cây khác, không dặm bằng hom. Nếu 1-2 năm cây mới chết thì kéo dây gần đó chôn xuống đất cho thành cây mới lắp chỗ trống.

Trồng xen: Trồng xen là một trong những biện pháp chăm sóc, hổ trợ sự phát triển của cây tiêu.

Đối với cây tiêu mới trồng bằng nọc chết, khi cây còn nhỏ có thể trồng xen hoa màu ngắn ngày để che phủ đất chống khô hạn hoặc xói mòn, có thêm thu nhập hoặc làm phân xanh. Các cây nên trồng xen là cây họ đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu phộng để thêm đạm cho đất). Ngoài ra có thể trồng xen các cây hoa màu khác như bắp, khoai lang, chuối…Khi cây tiêu lớn bò lên tới đỉnh trụ thay cây trồng xe bằng cây che phủ đất họ đậu như đậu mèo, muồng hoa vàng, sục sạc, Kudzu…để giữ ẩm cho đất và làm phân xanh. Chú ý bón phân cho cây trồng xen để giữ độ phì cho đất.

Cây tiêu còn có thể trồng xen trong vườn dừa hoặc cây ăn quả khác nhưng cần chú ý khoảng cách của cây trồng chính sao cho có đủ ánh sáng thích hợp và chất dinh dưỡng cho cây tiêu phát triển.  Muốn vậy khoảng cách giữa các hàng dừa và cây ăn quả ít nhất là 8m. Có thể dùng cây ăn quả, cây dừa làm trụ sống cho tiêu bò lên, gốc tiêu phải cách gốc cây trên 2m. Trong các vườn cà phê có trồng cây che bóng cũng có thể trồng xen tiêu cho leo lên cây che bóng nhưng phải đốn tỉa cây che bóng làm sao cho cây vẫn có tác dụng che bóng cho cây cà phê mà vẫn đảm bảo đủ ánh sáng cho cây tiêu. Bón đủ phân cho tiêu và cây trồng chính cũng là lưu ý quan trọng để tránh sự cạnh tranh về chất dinh dưỡng.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc hồ tiêu phần 3 chăm sóc tiêu sau trồng 4

Tưới tiêu nước cho tiêu: Nước có vai trò rất quan trọng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây tiêu. Tiêu thích ẩm nhưng không chịu được úng vì vậy việc tưới nước và tiêu nước đều rất cần thiết.

Tưới nước: Mùa nắng là thời gian khô hạn, lúc này cây tiêu lại đang ra hoa và có quả non rất cần nước . Nếu thiếu nước, cây sẽ phát triển chậm, bị rụng hoa và rụng quả nhiều, giảm năng suất rõ rệt. Đắp bờ tạo thành bồn xung quanh gốc có đường kính từ 1-1,5m, cao 10-15cm. Tưới nước trực tiếp vào gốc hoặc tưới phun lên tán cây cho đầy 2/3 bồn, không phun nước mạnh vào gốc để tránh làm trơ rễ tiêu. Đối với tiêu kinh doanh thì 7-10 ngày tưới một lần, tiêu nhỏ thì 2-3 ngày tưới 1 lần. Nếu nắng nhiều, nước khô thì lượng nước tưới phải nhiều hơn. Đối với yêu cầu nước như trên tưới nhỏ giọt cho tiêu được đánh giá là phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Tưới nhỏ giọt đảm bảo lượng nước tưới cho tiêu đầy đủ, chính xác hơn, bên cạnh đó còn có thể kết hợp cả châm phân tự động, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức chăm sóc tiêu. Mô hình tưới nhỏ giọt cho tiêu còn giúp hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, tiết kiệm nước…

Tuoi nho giot cho cay hồ tiêu– Tiêu nước: Trong mùa mưa cần tạo điều kiện thoát nước tốt cho vườn tiêu, không  để gốc tiêu bị đọng nước.Bị đọng nước rễ tiêu sẽ kém phát triển, dễ bị nấm bệnh gây thối rễ, cây sinh trưởng kém và có thể chết hàng loạt. Kinh nghiệm nhiều nơi cho thấy rằng sau khi mưa 2-3 giờ mặt đất đã khô nhưng đào sâu xuống 20-30cm mà vẫn có ứ nước thì đã có ảnh hưởng, cần khơi rãnh tháo nước ngay. Để chủ động thoát nước trong vườn tiêu kể cả nơi dất dốc cần đào mương nhỏ hoặc khơi rãnh nông dọc giữa các hàng tiêu, lượng đất đào lên dùng đắp vào gốc tiêu.

Tủ gốc cũng là biện pháp giữ ẩm tốt tiêu trong mùa nắng, nhưng mùa mưa thì cần kéo rơm rác ra xa gốc để không bị đọng nước, quá ẩm.

Bón phân cho tiêu:

Đối với phân hữu cơ, nguyên tắc sử dụng là phải bón phân đã ủ hoai mục và bón lót là chính, ngoài ra 1-2 năm bón bổ sung 1 lần. Lượng phân hữu cơ bón lót cho 1 hố trước khi trồng là 10-20kg , tuỳ đất xấu hay tốt. Phân bón lót thường dùng  là phân trâu, bò hoai, mỗi hố trộn thêm 0,3-0,5kg supper lân.

Đối với thời kì cho thu hoạch phân hữu cơ được bón theo rãnh đào xung quanh mép tán tiêu, rãnh sâu và rộng 30cm. có thể bón vào đầu hoặc cuối mưa, liều lượng trung bình 10kg/trụ.

Đối với phân hoá học: Phân hoá học thường chia bón thành 3-4 lần trong năm. Tác dụng lần bón đầu là thúc đẩy quá trình ra lá non và hoa, lần 2 và 3 để nuôi quả, lần thứ 4 chủ yếu duy trì sự sinh trưởng phát triển của cây, tích luỹ chất dinh dưỡng cho mùa quả sau.

Theo GS. Phân Quốc Sủng, lượng phân bón nguyên chất tối đa cho 1ha hồ tiêu ở thời kỳ kinh doanh có thể như sau:

Đạm (N): 200kg – Lân (P2O5): 300kg – Kali (K2O): 250kg. Lượng phân này chia bón làm 3-4 lần trong năm:

  • Lần 1: Đầu mùa mưa bón 25% lượng phân cả năm
  • Lần 2 và 3: Bón trong mùa mưa, cách nhau 2 tháng, chiếm 50% lượng phân cả năm.
  • Lần 4: bón vào mùa khô lượng phân còn lại 20-25%

Phân vi lượng và phân bón lá: Trong thực tế và nhiều thí nghiệm ở các vùng trồng tiêu đều cho thấy nếu được bón thêm phaanvi lượng sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt hơn và tăng năng suất. Một số phân bón hữu cơ sinh học có chứa các vi lượng có thể dùng cho cây tiêu như: Komix, Grow More, Humix…

Hướng dẫn trồng và chăm sóc hồ tiêu phần 3 chăm sóc tiêu sau trồng 2

Hướng dẫn trồng và chăm sóc hồ tiêu phần 3 chăm sóc tiêu sau trồng 3 

Một số biện pháp chăm sóc khác:

  • Buộc dây tiêu vào trụ: Sau khi trồng nếu dây tiêu dài khoảng 25-30cm đã vươn tới trụ cần dùng dây mềm buộc dây tiêu cho dính vào trụ. Buộc ở vị trí gần đốt của cây tiêu để rễ mau bám vào trụ. Thường xuyên buộc cho đến khi dây tiêu bò cao hết trụ, mùa mưa 5-7 ngày buộc 1 lần, mùa khô 10 ngày buộc 1 lần/
  • Xén tỉa và đốn dây: Trong 1-2 năm đầu tiên nên tỉa các cành ác (cành cho quả) để tập trung dinh dưỡng cho cây sinh trường tốt, cho năng suất cao ở những năm sau.
  • Tỉa hoa: Những cây tiêu trồng từ thân chính thì đến năm thứ 2 đã có 1 số cành ác cho ra hoa (trái chiến). Các gié hoa này nếu để lại sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và các năm sau vì vậy phải tỉa bỏ. Sau đợt hoa chính, một số hoa ra muộn sẽ cạnh tranh dinh dưỡng của đợt hoa chính và cành ác năm sau, và các hoa này cũng thường bị rụng và không đậu quả nên cần tỉa bỏ.
  • Làm cỏ, vun gốc: Vườn tiêu cần làm sạch cỏ, thông thoáng, nhất là khu vực quanh gốc để cỏ dại không tranh chấp nước, chất dinh dưỡng với tiêu. Hằng năm kế hợp làm cỏ và bón phân nên dùng đất mặt vun gốc cao 10-15cm.

Xén tỉa cây trụ sống: Cần chú ý xén tỉa cây trụ sống vào mùa mưa để đảm bảo đủ ánh sáng, mùa nắng trừ trường hợp tán cây trụ quá rậm thì nên hạn chế xén tỉa nhiều để điều hoà ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm cho vườn tiêu.

(Tài liệu tổng hợp theo sách Bác sĩ cây trồng, KS.Nguyễn Mạnh Chinh-TS. Nguyễn Đăng Nghĩa)

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận