Sếp HADICO: Chúng ta đang có lợi thế trong việc lo cho ‘cái dạ dày’ nhân loại

Hơn 20 năm gắn bó với ngành nông nghiệp cùng chặng đường 38 năm của  Cty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và phát triển Nông nghiệp HN (HADICO), thành công có, thất bại có nhưng không thể phủ nhận được những gì ông làm cho Cty. Ông là doanh nhân VN tiêu biểu 2010 – TS Phan Minh Nguyệt – Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Cty HADICO.

 hadico
Tâm huyết với trồng rau, nuôi gà
 Xu hướng cạnh tranh trong thời gian tới của thế giới là vấn đề lương thực.
Hadico được giao quản lý và sử dụng hơn 4 ngàn hécta nằm trên 51 xã, phường, thị trấn thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh. Kinh doanh với đầy đủ ngành nghề, nhưng trọng tâm vẫn trồng rau, nuôi lợn, gà… với những công việc mà người nông dân thực thụ vẫn làm, nhưng ở một trình độ cao mang tính nghiên cứu khoa học, chuyên nghiệp hơn.
Riêng mảng rau, từ năm 2010, Hadico dành 91 ha đất tại Hà Nội để sản xuất rau an toàn. Quy trình trồng rau này khép kín từ khâu làm đất đến tiêu thụ, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng khuẩn đường ruột. Hiện nay, Hadico mỗi ngày bán ra 5 – 7 tấn rau an toàn, mới chỉ đủ cho khối trường học, các khách sạn và bếp ăn tập thể, chứ chưa bán đại trà ra thị trường.
Nếu mọi việc diễn ra theo dự kiến thì Hadico sẽ cung ứng khoảng 10% rau sạch cho Hà Nội. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi được Thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư, dự án rau an toàn tại Đan Phượng đang được Cty ưu tiên triển khai nhằm sớm cung ứng sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, TS Phan Minh Nguyệt cũng chú trọng hướng Cty phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực khác như bười Diễn, cam Canh… là các giống cây trồng và vật nuôi có chất lượng cao.
Không chỉ mở rộng sản xuất, đầu tư mà ông còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở như : “ Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện quy trình điều khiển hoa Vũ Nữ và hoa Hồ Điệp ra hoa hàng loạt” hay đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ đồng bộ trong sản xuất và sơ chế một số loại rau hoa trong nhà kính tại khu công nghệ cao Hà Nội”.
Đặc biệt, gần đây ông đã khôi phục và phát triển được giống gà mía với giá trị kinh tế cao, tránh được sự “tuyệt chủng” của giống gà nổi tiếng của mảnh đất hai Vua, Đường Lâm – Sơn Tây vốn rất quý hiếm.
Gà mía nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi cần bảo tồn, thường được thả ở vườn, thịt gà có màu trắng, mỡ vàng, ăn giòn, vị ngọt đậm, thịt chắc, xương nhỏ. Trước đây, những chú gà trống đẹp, trọng lượng 5 – 6 kg thường được dân làng chọn làm lễ vật tiến vua hoặc dùng trong dịp tế lễ đầu năm.
Nhưng cái thời nuôi gà công nghiệp nở rộ, rồi gà thải loại Trung Quốc tràn về, đẩy gà mía vào nguy cơ tuyệt chủng. Với mong muốn khôi phục lại giống gà quý, giúp người dân duy trì giống gà ngon, TS Phan Minh Nguyệt đã nghiên cứu và cho xây những lò ấp trứng gà mía ở xã Kim Sơn, Sơn Tây. Lò ấp trứng bằng điện mỗi ngày cho ra đời hàng nghìn con gà giống.
Hiện nay, Hadico đã nâng lên thành quy mô trang trại tại xã Ba Trại, Ba Vì. Trang trại được Hadico đầu tư khá hiện đại, dự kiến cho ra thị trường mỗi tháng hàng vạn quả trứng gà mía. Bà con không còn phải lo đầu ra khi giống gà ngon, thịt thơm được nhiều người săn đón, nên lượng giống bán ra ngày một nhiều.
Ước mơ vươn xa
Thành công của Hadico và TS Nguyệt là thế nhưng ông vẫn khiêm tốn và lo cho nền nông nghiệp nước nhà.
Ông cho rằng, Nhà nước phải xác định xu thế mà thế giới đang hướng tới của thế kỷ 21 không phải là thế kỷ của dầu mỏ, công nghệ thông tin mà là thế kỷ của lương thực. Với dân số tăng trưởng như hiện nay thì an ninh lương thực là vấn đề rất quan trọng. Người ta khẳng định chỉ vài chục năm nữa thế giới “đánh nhau” không phải vì dầu mỏ mà “đánh nhau” vì lương thực. Vì vậy, nhiều tập đoàn lớn đã và đang xoay sang nông nghiệp để nghiên cứu đầu tư.
Nông nghiệp quan trọng với thế giới thì câu hỏi đặt ra với VN là chính phủ VN đã chuẩn bị như thế nào để tham gia quá trình “điều hành” thế giới với một đất nước có nhiều tiềm năng về nông nghiệp.
Nghiên cứu chiều sâu để sau đó tạo ra được giống lúa chất lượng cao, các sản phẩm nông sản nhằm tạo thương hiệu cho nông sản VN tạo ra giá trị cao chứ không phải số lượng nhiều mà giá trị thấp. Chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế cho đầu tư phát triển nông nghiệp, chưa có chiến lược cho sản phẩm nông sản.
Hàng năm nhu cầu nông sản của thế giới rất cao, cụ thể như sản lượng và giá trị giao dịch gạo trên thế giới khoảng 30 tỉ USD, VN chỉ chiếm khoảng 3 tỉ USD; Rau, củ, quả thế giới có sản lượng và giá trị giao dịch khoảng 200 tỉ USD, VN chỉ đạt khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, giá trị mang lại cho người dân VN là rất nhỏ, có thể nói là “lấy công làm lãi”.
TS Phan Minh Nguyệt nhấn mạnh : Chúng ta phải làm nông nghiệp công nghệ cao từ bây giờ để tạo ra các sản phẩm hàng hoá đồng đều, có chất lượng cao. Phải xác định được chiến lược về khoa công nghệ, đầu tư chiều sâu, có chính sách về hạn điền… Tương lai, thế giới sẽ cạnh tranh khốc liệt về lương thực. Chúng ta đang có lợi thế trong việc lo cho “cái dạ dày” nhân loại.
Theo Xuân Sơn

Diễn đàn doanh nghiệp

Đánh giá
Cảm ơn quý bà con đã tham khảo. Nhà Bè Agri cung cấp các dịch vụ Tư vấn qua điện thoại, Khảo sát, Thiết kế, Phân tích hiệu quả dự án tưới, Báo giá thiết bị, Thi công lắp đặt hệ thống tưới. Xin vui lòng liên hệ Nhà Bè Agri

Để lại một bình luận