Tin nông nghiệp

Di Linh, mô hình trồng xen canh Cà phê – hồ tiêu hiệu quả cao

Xen canh Ca phe - ho tieu Tiềm năng đất đai của vùng đất bazan màu mỡ rất thích hợp cho sự phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như: cao su, tiêu, cà phê… Tuy nhiên nếu như chỉ độc canh một loại cây trồng thì nguồn lợi mang lại vẫn chưa tương xứng với giá trị đất đai. Do đó, những năm qua một số hộ dân đã thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, đó là mô hình trồng xen cây tiêu trong vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Chu ở thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh.

Anh Chu quê gốc ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vào đất Lâm Đồng lập nghiệp năm 1988. Với 1 ha đất ban đầu của ông bà để lại làm vườn, anh không ngại khó khăn, vất vả đầu tư công sức và thời gian khai hoang. Đến nay gia đình anh đã có 3ha trồng cà phê, năng suất thu được hàng năm 10-12 tấn cà phê nhân. Do cà phê đã thoái hóa và già cỗi nên Anh nghĩ thu nhập từ cà phê hàng năm như vậy dư không được là bao nên anh quyết định chuyển đổi gần 2ha diện tích cà phê sang trồng thử nghiệm tiêu xen cà phê ghép. Anh đã mạnh dạn trồng 1.200 trụ tiêu xen trong 1,1ha cà phê; trụ tiêu anh trồng là trụ sống, chủ yếu là cây muồng đen. Bên cạnh đó, anh cũng trồng tiêu bằng trụ gỗ và trụ bê tông. Theo anh Chu cho biết: Chi phí đầu tư trụ bê tông và chi phí bỏ ra mua trụ gỗ là như nhau (250.000đ/trụ), nhưng tuổi thọ của trụ gỗ không bằng trụ bê tông, hơn nữa độ cao của trụ gỗ không cao như mong muốn của mình được.

Đến nay vườn tiêu của gia đình anh đã được 2 năm bắt đầu cho thu quả bói, năm 2015 anh lại trồng thêm được 600 trụ tiêu, giống tiêu anh trồng là giống Vĩnh Linh.

Anh Chu cho biết: Vợ chồng anh tự tay chăm sóc hơn 1 ha tiêu từ vun xới, tỉa cành nhánh và bón phân… một cách rất tỉ mỉ, anh không dám thuê người làm vì sợ họ không biết cách chăm sóc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn tiêu sau này và không may làm đứt dây tiêu tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập vào cây nên vợ chồng anh chỉ thuê người làm cà phê.

Vườn tiêu được anh Chu làm bồn rất cẩn thận, đất luôn tơi xốp. Vì khí hậu ở Lâm Đồng lạnh, độ ẩm cao dễ bị úng nước, anh bón phân hóa học rất ít, một năm anh chỉ bón 0,5 kg phân NPK, 3 kg phân vi sinh, phân chuồng/1 trụ, anh sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón cho tiêu, nếu ủ chưa hoai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vườn tiêu. Khi bỏ phân anh lấp lại, hạn chế việc bỏ phân hóa học nhiều, tăng cường bón phân vi sinh và phân chuồng để tạo vi sinh vật có lợi trong đất phát triển mạnh, làm cho chất đất luôn tơi xốp, đồng thời anh cào lớp lá của cây cà phê để trên bề mặt của bồn tiêu cung cấp chất mùn, tạo độ mát trong mùa nắng đây là một qúa trình học hỏi nhiều và đúc rút kinh nghiệm trong thực tế mà anh đã làm.

Theo anh, muốn trồng tiêu thành công trước tiên là phải trồng làm sao cho cây tiêu sống được, chăm sóc tốt, thì lúc đó mới tính đến thu hoạch đạt hay không đạt, chúng ta cần phải đi từng bước. Trồng tiêu nên trồng vừa trụ sống vừa trụ chết vì cây tiêu cần có cây che bóng lúc còn nhỏ và rất cần sự quang hợp nếu cây che bóng rợp quá cũng không đạt, để nắng quá cũng không đạt.

Ngoài ra, anh còn thử nghiệm cho một số trụ ra quả sớm hơn 1 tháng so với thời gian của các vùng khác, và sớm so với thời vụ chính ở xã Tân Nghĩa khoảng 1 tháng bằng cách điều chỉnh lượng nước tưới hàng ngày (ở Lâm Đồng, cây tiêu thường được thu hoạch từ giữa tháng 2 đến hết tháng 4 hằng năm).

Vào mùa tưới nước, nếu cây cà phê không tưới cùng đợt với cây tiêu thì anh phân chia lượng nước tưới (vì vườn của gia đình anh vừa dùng ống tưới vừa dùng hệ thống pét tưới) và dùng ống tưới cho cà phê. Còn tưới cùng đợt với nhau thì dùng pét tưới, thông thường vào tháng 11 thì cây cà phê và cây tiêu cùng đợt tưới.

Anh Chu cho biết thêm: “Điều quan trọng của mô hình tiêu xen cà phê khi dùng phương pháp tưới phun mưa (tưới pét) vừa tiết kiệm được lượng nước tưới, vừa tiết kiệm được công lao động; khi bón phân thì cũng tiết kiệm được lượng phân bón vì bộ rễ của cà phê và cây tiêu đều sử dụng hết lượng phân chúng ta đã bón. Tuy nhiên nếu cây tiêu tưới nhiều nước thì qủa ít, cà phê mà tưới sớm quá hoa ra không tập trung quả đậu không nhiều”.

Sau 2 năm trồng tiêu xen cà phê nhưng chưa thấy xuất hiện bệnh, anh là một người đam mê tìm tòi, ham học hỏi, nghiên cứu… giờ đây anh có khả năng nhận diện được sâu bệnh rất tốt, anh biết được nấm bệnh phát sinh vào tháng nào trong năm và nấm bệnh nằm chủ yếu trong đất và bệnh thường phát sinh ở mặt sau của lá tiêu. Anh thường xuyên kiểm tra vườn tiêu và hàng năm phòng bệnh cho cây tiêu 2 lần/năm, phòng tuyến trùng anh dùng thuốc Tervigo 020SC, Ridomil Gold 68 WP và phòng trừ rầy vào tháng 11 hàng năm (rầy sẽ phát sinh đến tháng 3 của năm sau) anh dùng thuốc G8 gói 100gr (thuốc có nguồn gốc sinh học của Thái Lan sản xuất) pha vào 30 lít nước sau đó dùng máy sục xung quanh gốc, khi có bệnh phun lên cả lá rất hiệu quả… nên diện tích chết là không đáng kể, vườn tiêu của gia đình anh trồng 1.000 trụ chết chưa đến 3 trụ.

Gia đình anh chủ động được nguồn nước tưới cho cà phê và tiêu, anh dùng nguồn nước tưới là giếng khoan, anh nói: “Tiêu rất cần xiết nước nếu không xiết tiêu không cho trái nhiều và không đạt”. Anh Chu dự kiến trong 3 năm tới anh sẽ phá bỏ hết những cây cà phê già cỗi, những hàng cà phê năng suất, chất lượng thấp và dùng trụ bê tông chôn vào để chuyên canh cây tiêu. Hiện tại anh đang trồng cà phê xen tiêu với khoảng cách trồng là 3×3,5m tạo được sự quang hợp cho cây tiêu, giảm bệnh phát sinh và theo anh đây là khoảng cách khá phù hợp để cây tiêu và cây cà phê cùng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế. Với cách trồng tiêu xen cà phê như hiện nay, anh chỉ ước tính 1 cây cà phê thu 3-4 kg nhân/năm, tiêu 3 kg khô/trụ với giá tiêu hiện tại khoảng 190.000đ – 200.000đ/kg cao điểm 240.000 đ/kg thì với diện tích canh tác như hiện nay của gia đình anh tương đương hộ khác trồng 8 ha đến 10 ha cà phê và như vậy thu nhập trên một diện tích canh tác khá cao và bền vững.

Với mô hình trồng tiêu xen cà phê đầy tiềm năng trong tương lai nêu trên, rất mong thời gian tới các hộ nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và tiết kiệm các khoản chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Văn Phương – Bùi Hằng (TTKN Lâm Đồng)

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *